Nhiều ngành chật vật tuyển sinh dù cam kết có việc làm

Một số ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, nông lâm, thủy sản vẫn chật vật trong công tác tuyển sinh.

PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Quan hệ công chúng và Doanh nghiệp ĐH Mỏ - Địa chất cho biết, nhà trường rất chú trọng đến những ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Có một số ngành xã hội đang rất cần nhưng thí sinh lại ít quan tâm như Kỹ thuật tuyển khoáng, Kỹ thuật địa vật lý.

“Ví dụ, như hoạt động thăm dò dưới lòng đất không thể thiếu những kỹ sư ngành Kỹ thuật địa vật lý. Hay trong việc khai thác khoáng sản, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức bán thô, giá thành không cao, ngành Tuyển khoáng sẽ giúp khai thác và bán được khoáng sản với chất lượng tốt hơn, giá cao hơn. Tuy nhiên, nhiều sinh viên có thể chưa tìm hiểu nên chưa thực sự hứng thú với những ngành này. Năm 2022, ngành Kỹ thuật tuyển khoáng lấy 30 chỉ tiêu, nhưng số lượng tuyển đầu vào chỉ khoảng 10 thí sinh, ngành Kỹ thuật địa vật lý trong khoảng 3-4 năm trở lại đây mỗi khóa chỉ tuyển được trên dưới 5 sinh viên”, PGS.TS Nguyễn Việt Hà cho biết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo ông Hà, nguyên nhân khiến nhiều ngành khối kỹ thuật khó tuyển sinh xuất phát từ sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Hiện nay đa số thí sinh có xu hướng lựa chọn nhóm ngành về kinh tế, công việc có tính chất nhẹ nhàng, thu nhập tốt, nhóm ngành kỹ thuật ít được thí sinh quan tâm hơn.

Ông Hà nhận định, nhu cầu xã hội với những ngành trên hiện rất lớn, sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường đã có thể nhận mức lương từ 15 triệu.

"Hàng năm, nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực dầu khí, khoáng sản đều tìm đến nhà trường để tuyển dụng, song nhà trường lại không có đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp. Hay không ít các công ty cây xanh đô thị hiện nay cũng đang “khát” kỹ sư học ngành Kỹ thuật địa vật lý để thăm dò mức độ mục nát của cây, đảm bảo an toàn đô thị nhưng rất khó tuyển".

Theo PGS.TS Hà Văn Huân, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Lâm nghiệp, các ngành nhóm kinh tế, công nghệ tại trường cũng thu hút nhiều thí sinh đăng ký hơn hẳn các ngành truyền thống như Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Chế biến lâm sản. 

“Đây là những ngành sinh viên có cơ hội việc làm rất tốt, nhà trường bảo lãnh 100% sinh viên ra trường có việc làm, riêng ngành Chế biến gỗ, nếu sinh viên không có việc làm, nhà trường sẽ hoàn trả lại 100% kinh phí đào tạo. Hàng năm cũng có rất nhiều doanh nghiệp đến tuyển dụng nhưng không có sinh viên để đáp ứng", PGS.TS Hà Văn Huân nói.

PGS.TS Nguyễn Việt Hà cho rằng, từ tầm vĩ mô, Nhà nước cần có những cơ chế đặc thù cho nhóm ngành kỹ thuật như đầu tư cho các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất phục vụ quá trình học tập của sinh viên. 

Hiện cả nước chỉ có khoảng 47% học sinh vào đại học, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tuyển sinh của các trường. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn ngành nghề của học sinh.

PGS.TS Hà Văn Huân kiến nghị Nhà nước cần đẩy mạnh dự báo về nhu cầu lao động trong tương lai để học sinh thấy rõ được cơ hội nghề nghiệp, vị trí việc làm từng ngành nghề.

Với những ngành cần cho sự phát triển của xã hội, nhưng đang thiếu nguồn nhân lực, cần có những chính sách hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo, nhất là những sinh viên thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các chính sách về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt sẽ góp phần thu hút thí sinh tốt hơn.

PGS.TS Hà Văn Huân cho rằng, việc tăng cường kết nối với doanh nghiệp sẽ giúp giải bài toán khó về tuyển sinh tại nhiều ngành: “Những năm gần đây, khi nhà trường liên kết với doanh nghiệp, để doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập 1 số ngành và sinh viên được cam kết nhận vào doanh nghiệp sau khi ra trường, lượng sinh viên đăng ký vào các ngành này cao hơn hẳn”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, có nhiều ngành khoa học kỹ thuật quan trọng nhưng lại ít thí sinh theo học là do quá trình theo học những ngành đó khó khăn, vất vả hơn, cần nhiều trang thiết bị hơn, hay việc truyền thông chưa tốt khiến thí sinh chưa hiểu rõ về đặc điểm ngành nghề, dẫn đến không lựa chọn.

Các trường cần khảo sát xã hội để thấy rõ ngành nào đang có nhu cầu lớn, từ đó xây dựng các chính sách đào tạo tuyển sinh cũng như kết hợp với các trường THPT đẩy mạnh hướng nghiệp để thí sinh hiểu rõ về vai trò và cơ hội của mỗi ngành nghề.

Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ cho các ngành khoa học cơ bản như vật lý, hóa học, toán học cũng như các ngành kỹ thuật công nghệ khác song sự hỗ trợ trực tiếp cho đào tạo chưa được nhiều.

Về phía Bộ cũng đang xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển công nghệ cao. Trong đó đề xuất các giải pháp như chính sách hỗ trợ, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, đào tạo hợp tác quốc tế để tăng sự thu hút của các ngành nghề với thí sinh, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng như phòng thí nghiệm, thực hành, hỗ trợ đào tạo sau đại học.

Thanh Mai

Trung Quốc muốn gì từ chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình?

Trung Quốc muốn gì từ chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời người bạn nước ngoài "thân nhất" của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, tới Moscow trong chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày, bắt đầu từ ngày 20 tháng 3.