Vi khuẩn khiến nhiều người ở Quảng Nam ngộ độc nguy hiểm thế nào?

Theo chuyên gia, ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm, có thể khiến nạn nhân sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là không thở được do liệt các cơ hô hấp, dẫn tới tử vong.

Theo kết quả sơ bộ ban đầu về điều tra, giám sát và xử lý 2 vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, những người trong chùm ca bệnh này cùng ăn cá chép muối ủ chua và nhiều món khác tại bữa ăn.

Kết quả kiểm nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy mẫu 50 g cá chép ủ chua chứa Clostridium type E.

Vi khuẩn khiến nhiều người ở Quảng Nam ngộ độc nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1.

TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, kiểm tra và thăm hỏi tình hình sức khỏe các bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra protein độc tố thần kinh, chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết. Những người bị nhiễm độc sẽ có triệu chứng tăng dần từ khó thở, sụp mí mắt, liệt toàn thân đến liệt cơ hô hấp.

Trong vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, 4 trường hợp được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam ngày 13/3 sau bữa ăn tiệc cúng tại nhà bà H.T.N. ở thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn.

Theo lời khai của những người có mặt tại bữa tiệc, các món có trong bữa ăn bao gồm thịt heo kho cá khô, cá chép làm chua (gia đình tự làm), canh cải nấu bí đỏ, mít luộc xào, cơm, canh rau lủi.

Trong đó, 4 người bị ngộ độc thực phẩm trên đều ăn món cá chép làm chua vào trưa ngày 6/3.

Cá chép được gia đình mua của người bán dạo trên địa bàn. Cá khô được dùng để chế biến thức ăn trong mâm cúng được mua tại một tạp hóa trong thôn. Nguồn nước sử dụng để chế biến thức ăn là nước tự chảy.

Danh sách những người ăn tại nhà bà Nhương từ ngày 6/3 đến ngày 7/3 gồm 11 người, trong đó 4 người bị ngộ độc. Một phụ nữ 40 tuổi đã tử vong.

Đến ngày 17/3, Sở Y tế Quảng Nam tiếp tục ghi nhận 4 trường hợp cùng gia đình ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn. Tất cả cùng xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau họng, người mệt, buồn nôn, nôn, không đại tiện được.

Theo lời khai của những người cùng ăn, bữa cơm của họ hôm 16/3 có cá chua (cá chép) gia đình tự làm, cơm, chim nướng. Trong đó 4 người bị ngộ độc thực phẩm trên đều ăn món cá chép làm chua (bé trai 8 tuổi không ăn món này).

Ngoài ra, đoàn điều tra Sở Y tế Quảng Nam cũng có ghi nhận thêm một trường hợp khác là phụ nữ 37 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng, sống tại xã Phước Chánh cũng đang điều trị tại bệnh viện. Dù không ăn chung những bữa ăn trên, người này có dùng món cá chép làm chua do gia đình tự làm vào ngày 14/3, theo Zing.

Với đầy đủ các tiêu chuẩn về lâm sàng và dịch tễ, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra chẩn đoán đối với các chùm ca bệnh trên là ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua.

Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy gửi đến Bộ Y tế, sau khi điều tra dịch tễ 3 chùm ca bệnh (tổng cộng 10 người, trong đó một trường hợp đã tử vong), cùng với kết quả cấy mẫu cá chép muối ủ chua mà bệnh nhân đã ăn do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện, có thể khẳng định những trường hợp này bị ngộ độc botulinum.

Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, được vi khuẩn C. botulinum (Clostridium botulium) sản sinh ra trong quá trình phát triển.

Đây là loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí), có khả năng tự tạo ra bào tử (hiểu nôm na là vi khuẩn tự đóng kén để tồn tại trong môi trường có không khí) nằm lẫn trong đất cát. Khi có điều kiện thuận lợi, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, các bào tử này sẽ tái hoạt động trở lại, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum, theo Dân trí.

Trung bình 12-36 giờ sau khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm botulinum, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc, dẫn tới các tình trạng như: Đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp, dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Mặc dù được điều trị tích cực, tình trạng liệt của bệnh nhân vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục, cho thấy ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm.

Ngoài xâm nhập qua đường ăn uống, bào tử vi khuẩn C. botulinum còn vào cơ thể qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng, tạo ra môi trường yếm khí, các bào tử có thể tái sản sinh chất độc botulinum.

Ở trẻ em nhũ nhi, vi khuẩn C. botulinum cũng có thể phát triển trong đường ruột (do ăn phải thức ăn bị nhiễm bào tử không đóng hộp), dẫn tới ngộ độc.

(Tổng hợp)

AN LY