Nhiều người mua trái phiếu doanh nghiệp qua môi giới của công ty chứng khoán mà không biết gì về quy định phát hành

Nhiều người mua trái phiếu doanh nghiệp qua môi giới của công ty chứng khoán mà không biết gì về quy định phát hành, trên thực tế chạy theo lãi suất cao, nhiều cá nhân tìm cách “lách” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoặc thông qua hợp đồng như hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư để bằng mọi cách mua TPDN.

Đặc biệt, một trong những kênh đưa cá nhân không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp mua TPDN qua sự môi giới, giới thiệu của nhân viên phòng giao dịch ngân hàng và sự môi giới của công ty chứng khoán. Sau một thời gian phát triển nóng, những khoảng tối trên thị trường TPDN bắt đầu bộc lộ. Trong vụ lãnh đạo công ty A.Đ bị khởi tố do sai phạm trong phát hành TPDN, nhiều nhà đầu tư tìm đến phòng giao dịch ngân hàng - nơi tư vấn chào mời mua TPDN của công ty A.Đ đã thất vọng vì nhân viên tư vấn “chối bỏ” trách nhiệm.

Sau thời gian phát triển nóng, giờ là thời điểm Nhà nước cần mạnh tay sau thời gian buông lỏng quản lý. Trong trường hợp TPDN An Đông, cơ quan quản lý nhà nước nên có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán tài sản để có khoản tiền trả nợ cho trái chủ.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, Nghị định 65 về TPDN vừa được ban hành là bước tiến dài về phương diện phát triển thị trường trái phiếu nhưng không giải quyết được vấn đề ngắn hạn. Về dài hạn, Nghị định 65 giúp hoàn thiện quy định về phát hành TPDN riêng lẻ.

Điều này mở ra con đường cho doanh nghiệp phát hành nhỏ lẻ (phát hành trái phiếu vay dưới 500 tỷ đồng và dưới 50% vốn chủ sở hữu) không cần xếp hạng. Đây là tiến bộ lớn nhưng không giúp giải quyết vấn đề ngắn hạn đáo nợ cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Theo ông Nghĩa, nếu có cách xử lý không phải hình sự hóa thì có thể bán tài sản của doanh nghiệp để trả cho nhà đầu tư.

Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước năm 2021 đạt 658.000 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu phát hành ra công chúng (vốn được đánh giá là có chất lượng cao) chỉ đạt 5%, tỉ lệ phát hành riêng lẻ (với chất lượng lẫn lộn) hơn 95%. Đặc biệt, có tới hơn 49% khối lượng TPDN phát hành trong năm 2021 không có tài sản bảo đảm.

Theo Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, rất cần truyền thông cho nhà đầu tư cá nhân, để họ ý thức được rủi ro TPDN cũng như nợ xấu trái phiếu. Rộng hơn, nhà đầu tư cần hiểu về Luật Phá sản doanh nghiệp.

Còn Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính phân tích, một trong những rủi ro lớn trên thị trường, là nhà đầu tư cá nhân rất hạn chế về việc đánh giá rủi ro nhưng vẫn quyết định mua TPDN vì lợi nhuận cao hơn so với các kênh đầu tư trong thời gian vừa qua.

“Mặc dù tỉ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường”, Bộ Tài chính từng cảnh báo.

Cơ quan chức năng sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và nhà đầu tư. Trách nhiệm đơn vị môi giới, tư vấn với trường hợp TPDN xảy ra vấn đề cần chờ kết luận của cơ quan điều tra. Vì đơn vị tư vấn môi giới nhưng quyết định cuối cùng mua TPDN vẫn do cá nhân nhà đầu tư. Trong thời gian tới, trách nhiệm của đơn vị môi giới, tư vấn phát hành được quy định rõ ở Nghị định 65/2022.

Tổng Hợp