Nhiều trẻ ở Quảng Ngãi mắc bạch hầu, lo ngại bùng phát dịch

Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, tỉnh này có 5 ca bạch hầu: 4 ca ở xã Ba Khâm, 1 ca ở xã Ba Lế (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi).
Nhiều bệnh nhi đang được theo dõi, điều trị vì nhiễm bệnh bạch hầu. 
Nhiều bệnh nhi đang được theo dõi, điều trị vì nhiễm bệnh bạch hầu. 

Trong 5 ca này thì 3 ca đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi, 1 ca được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng, 1 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. 

Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết phát hiện thêm 12 bệnh nhi có độ tuổi từ 13 tháng  đến 13 tuổi (ngụ ở các xã Ba Lế, Ba Trang và Ba Khâm) có dấu hiệu mắc bệnh và trong số này, nhiều gia đình có 2 - 3 bé.

Sau khi phát hiện và cho chuyển viện, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã huy động nguồn lực phun khử trùng và tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh.

Ông Nguyễn Đình Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cũng xác nhận bệnh viện đã xác định có 3 ca dương tính với bệnh bạch hầu, đồng thời đang tiếp nhận, theo dõi điều trị cho 9 bệnh nhi khác có các dấu hiệu nghi nhiễm bạch hầu.

Cả 12 bệnh nhi này đều trú tại huyện miền núi Ba Tơ, nhập viện trong vòng 1 tuần. Các trường hợp còn lại đang theo dõi, tiếp tục lấy dịch hầu họng để gửi đi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm.

Hồi tháng 7, trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông đã ghi nhận tổng cộng 93 trường hợp dương tính với bạch hầu. Huyện Ba Tơ là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi tiếp giáp với tỉnh Kontum.

Bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra.

Ở Việt Nam, gần đây bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện nhiều tại những tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk… 

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, vì thế nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Vì thế, để chủ động tạo miễn dịch với vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.

                            

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương