NHNN sửa loạt quy định siết ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021 liên quan hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng.

Đáng chú ý, tại dự thảo lần này, cơ quan quản lý tiền tệ đã đề xuất bổ sung một loạt quy định liên quan hoạt động mua, bán trái phiếu của các ngân hàng theo hướng thắt chặt kiểm soát rủi ro và tăng trách nhiệm của các nhà băng.

Còn nhiều kẽ hở tiềm ẩn rủi ro

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trên cơ sở đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao NHNN khẩn trương rà soát việc các tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.

Bên cạnh đó, qua kết quả thanh tra, giám sát hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD cho thấy phát sinh tiềm ẩn rủi ro đối với một số mục đích phát hành trái phiếu, việc giám sát sử dụng tiền thu từ trái phiếu của doanh nghiệp phát hành đúng mục đích tại phương án phát hành...

NHNN sửa loạt quy định siết ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cụ thể: Chưa có quy định điều kiện phát hành trái phiếu về năng lực tài chính, cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của các khoản phát hành trái phiếu chưa chặt chẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông qua việc phát hành nhằm mục đích đặt cọc, góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh, bổ sung vốn lưu động...

Một số doanh nghiệp phát hành và các doanh nghiệp liên quan thực hiện tăng vốn lớn trong thời gian ngắn để chứng minh năng lực tài chính.

Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất thuê trả tiền hàng năm chưa đủ điều kiện để nhận làm tài sản bảo đảm, hợp đồng thế chấp chưa công chứng và chưa thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Tỉ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm lớn nhưng thực tế chất lượng tài sản bảo đảm không cao. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng thu hồi nợ của ngân hàng khi doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán.

Những điểm mới của dự thảo

Cụ thể, tại quy định về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, NHNN đã đề xuất bổ sung tiêu chí xác định phương án khả thi và tiêu chí xác định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính, đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.

Hiện tại, Thông tư 16/2021 có quy định tổ chức tín dụng (TCTD) được mua trái phiếu doanh nghiệp khi phương án phát hành khả thi và doanh nghiệp phát hành có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn, nhưng không nêu tiêu chí để xác định hai yếu tố này.

Với quy định về điều kiện để ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh các quy định hiện tại như mục đích sử dụng vốn; cam kết mua lại trước hạn; phương án phát hành và sức khỏe tài chính doanh nghiệp… NHNN đã đề xuất bổ sung quy định ngân hàng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính kiểm toán quý gần nhất.

Đồng thời, cơ quan quản lý tiền tệ cũng bổ sung quy định các ngân hàng không được đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác.

Cũng tại dự thảo này, NHNN đã bổ sung quy định các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu phát hành trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thu thập đầy đủ tài liệu liên quan trong thời gian nắm giữ trái phiếu.

Đồng thời, khi ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích bảo đảm nghĩa vụ, thì phải phong tỏa số tiền mua đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm. Các nhà băng cũng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán tiền mua trái phiếu cho doanh nghiệp phát hành, theo Zing.

Ngoài ra, NHNN đề xuất bổ sung quy định nội bộ nhằm kiểm soát dòng tiền thu từ phát hành trái phiếu được sử dụng đúng mục đích, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra của cơ quan quản lý sau này. Các ngân hàng cũng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, trường hợp phát hiện vi phạm, các ngân hàng có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn.

Bên cạnh các quy định mang tính thắt chặt kể trên, tại dự thảo này, NHNN cũng đề xuất phương án nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay là tạm dừng quy định về thời hạn ngân hàng được phép đầu tư trái phiếu một doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết sau khi đã bán trái phiếu đó, áp dụng đến hết ngày 31/12.

Theo quy định hiện nay, thời hạn để ngân hàng được đầu tư lại trái phiếu của một doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán là 12 tháng kể từ ngày bán. Ngoài ra, sau 12 tháng, ngân hàng cũng chỉ được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng đợt với trái phiếu đã bán trước đó khi đáp ứng một số điều kiện.

(Tổng hợp)

AN LY