[17/5/1947]
Trên máy bay
Thứ bảy, nửa ngày về chiều
Newfoundland
---
Anh yêu, “chàng thổ dân” đáng yêu, tuyệt diệu của em, anh lại buộc em phải khóc, nhưng đây là những giọt nước mắt dịu dàng, dịu dàng như tất cả những gì từ anh mà ra. Em đang ngồi trên máy bay, mở cuốn sách của anh ra, và em muốn nhìn thấy nét chữ của anh. Em nhìn vào trang bìa trong, lấy làm tiếc là đã không bảo anh ghi lại một dòng gì đấy làm kỷ niệm, nhưng đột nhiên em thấy chữ ký của anh, nét chữ đẹp đẽ, mềm mại, tràn đầy tình yêu. Em áp mặt vào cửa hông máy bay và bật khóc ngay ở độ cao trên mặt biển xanh, nhưng đó là những giọt nước mắt ngọt ngào, những giọt nước mắt của tình yêu, của tình yêu chúng ta. Em yêu anh.
Nữ văn sĩ Simone de Beauvoir bên tình yêu của bà, nhà văn Nelson Algren (Ảnh: internet). |
Người tài xế tắc xi hỏi: “Đó là chồng bà à?” - “Không”. - “Thế nghĩa là bạn? - và ông ta nói thêm vẻ thông cảm - Trông ông ấy xúc động quá!”. Em cố nén lòng mình và đáp lại: “Chúng tôi chia tay rất nặng nề, bởi Paris ở quá xa!”. Nghe thế ông ta sôi nổi nói chuyện với em về Paris. May là anh không đi với em ra sân bay: trên đại lộ Madison và ở La-Gardia có mấy người quen - chỉ có Chúa mới biết được là đôi khi người Pháp đáng ghét đến thế nào, và đây là trường hợp xấu nhất. Em không giữ được bình tĩnh, thậm chí khóc cũng không khóc được.
Cuối cùng thì máy bay cũng cất cánh. Em thích máy bay. Khi trong lòng đầy xáo động thì máy bay, theo em, là phương tiện đi lại hay nhất: nó hòa điệu với trạng thái tâm hồn. Máy bay, tình yêu, bầu trời, nỗi đau, hy vọng - tất cả hòa thành một. Em nghĩ về anh, lật lại trong ký ức từng chi tiết nhỏ nhặt, đọc cuốn sách của anh, tiện thể cũng nói là cuốn này em thích hơn cuốn trước. Tiếp viên mang đến rượu witky và bữa trưa rất tuyệt: gà hầm sữa chua và kem sôcôla. Anh chắc sẽ hân hoan khi nhìn thấy những cảnh này: trời mây, biển cả, bờ bãi, cánh rừng, làng mạc - tất cả như nằm gọn trong lòng tay, và chắc anh sẽ rạng rỡ với nụ cười thơ trẻ ấm áp của mình.
Hoàng hôn đã xuống trên Newfoundland, còn ở New York chỉ mới ba giờ sáng. Hòn đảo đẹp một cách khác thường, phủ đầy những hàng thông tối sẫm và những mặt hồ buồn bã im lìm, đâu đó có những đám tuyết. Thấy cảnh này chắc là anh thích.
Máy bay đã hạ cánh và hành khách phải chờ thêm hai giờ nữa. Không biết giờ này anh đang ở đâu? Có thể cũng đang trên máy bay chăng? Khi anh trở lại ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta, em sẽ nấp dưới giường đợi anh, ồ không, em sẽ có mặt ở khắp nơi. Bây giờ em sẽ luôn luôn ở bên anh - trên những đường phố buồn chán của Chicago, trên mặt đất, trong phòng anh. Em sẽ ở bên anh như người vợ trung thành bên người chồng yêu quý. Chúng ta không cần thức tỉnh, bởi đây không phải là giấc mơ: đây là một hiện thực tuyệt diệu và tất cả chỉ mới bắt đầu. Em cảm thấy anh ở bên cạnh, giờ đây dù em đi bất cứ đâu cũng có anh theo cùng - không chỉ cái nhìn anh, mà cả toàn bộ trọn vẹn con người anh. Em yêu anh, đấy là tất cả những gì em có thể nói được. Anh đang ôm em, em riết chặt anh và hôn anh, như mới hôn cách đây mấy giờ.
Simone của anh.
Nữ văn sĩ Simone de Beauvoir (Ảnh: internet). |
Thứ tư [4/6/1947]
Người chồng yêu của em! Em sung sướng biết bao khi hôm nay đi xuống dưới nhà thấy có thư anh, đó quả là một điều kỳ diệu! Em dường như lại được nghe thấy giọng nói vui nhộn đáng yêu của anh, thấy lại nụ cười anh, anh đang ở bên em và chúng ta đang vui vẻ chuyện trò. Hóa ra, trao đổi thư từ cũng có thể là một việc rất thú vị: nếu thư đi từ lại nhanh chóng thì cũng y như là nói chuyện với nhau vậy. Hình như anh đang ở đâu đây bên cạnh, em cảm thấy là anh yêu em và như đang nhìn em vào giây phút này, em cảm thấy là anh đang cảm thấy em yêu anh biết chừng nào.
Anh yêu của em, anh không thể hình dung được là em sung sướng biết bao, em không thể ngờ anh có thể mang lại cho em nhiều hạnh phúc đến thế. Cả một ngày nắng ấm, vui tươi, rạng rỡ là nhờ bức thư dịu dàng của anh đốt cháy tâm hồn em. Em ghen với việc anh có thể viết được những bức thư như thế, điều đó quả không phải: bởi em không tài nào diễn tả được mọi tâm tư, tình cảm của mình bằng một thứ tiếng khác.
Anh viết sắc sảo, mô tả rất hay các ấn tượng của mình, kể chuyện rất sinh động. Còn em buộc phải dùng một thứ tiếng Anh trẻ con nghèo nàn, dù cũng như anh, em hy vọng không phải là đồ ngốc. Nhưng đột nhiên anh lên mặt tỏ vẻ tinh tế và thú vị hơn em, rồi xem khinh em vì ngôn ngữ lắp ba lắp bắp thì sao?...
Buổi chiều
Anh yêu, bây giờ chỗ em là nửa đêm, còn ở Chicago là mấy giờ? Có lẽ đang giờ ăn tối. Anh đang làm gì? Gặm xương như anh viết trong thư trước? Em đang ngồi trong căn phòng khách sạn của mình (trước 1948, S. de Beauvoir nhiều năm sống ở khách sạn “Luizian” - ND), nó bị bỏ hoang lâu ngày nên trông rất tồi tàn, nếu như phải dẫn anh đến đây thì em xấu hổ lắm. Tường trông cũng còn tạm vì mới được quét lại màu thuốc đánh răng hồng, nhưng trần thì bẩn thỉu kinh khủng, nói chung cả căn phòng đều trong tình trạng thảm hại như vậy, nó rất bất tiện và xấu xí phải cần đến một người đàn ông có kinh nghiệm quản lý dùng “bàn tay đàn bà” sửa sang, sắp xếp lại. Nhưng em đã quen với khung cảnh này, em đã sống trong nó suốt cuộc chiến tranh, đã nấu mì và rán khoai tây tại đây, bây giờ em không thể rời nó được theo như đầu óc bình thường đòi hỏi.
Sự thật, đầu óc em không bình thường chút nào, chiều nay em cảm thấy mình là người bất hạnh nhất trên đời, hãy cho phép em được khóc một chút. Thật tuyệt biết bao nếu được khóc trên ngực anh, nhưng vì thế đây là em khóc cho việc không thể được khóc trên ngực anh, đó thật đúng là một điều thậm vô lý, bởi vì em không được khóc trên ngực anh. Viết những bức thư tình quả là đại xuẩn ngốc, bởi tình yêu làm sao nói hết được qua những bức thư, nhưng biết làm gì khi giữa anh và người anh yêu bị ngăn cách cả một đại dương đáng nguyền rủa? Em có thể gửi cho anh gì nữa đây? Hoa thì sẽ héo, nụ hôn và nước mắt thì không bỏ vào phong bì được. Chỉ còn lại ngôn ngữ, nhưng tiếng Anh không giúp em bày tỏ được đúng tình cảm của mình. Anh có thể kiêu hãnh đấy, thậm chí từ bên kia đại dương anh vẫn biết cách làm cho em rơi nước mắt! Em rất mệt mỏi và rất buồn nhớ anh.
Khi quay trở lại nhà em thấy nặng nề. Ở Pháp có cái gì đấy buồn bã một cách khác thường, dù em yêu cái buồn ấy. Sau đó, em sang Mỹ như đi nghỉ, không đòi hỏi gì ở mình, vậy mà phải làm một cái gì đó, nhưng là cái gì thì chính em cũng không hiểu và không tin có thể làm được không. Hôm nay em đang sống một buổi chiều lạ lùng, em đã cố uống thật nhiều để khỏa lấp nỗi lòng, nhưng đến giờ này em vẫn không yên được. Em đã kể anh nghe về một người phụ nữ rất quái đản (nữ nhà văn Violett Leduc (1907 -1972), bà tự gọi mình là “kẻ quái đản” - ND) đem lòng yêu em.
Thậm chí em còn nhớ là đã nói ở đâu và khi nào - trên chiếc giường đôi ở New York: chúng ta nói chuyện về những người phụ nữ, em nhìn khuôn mặt dễ thương của anh và em thấy hạnh phúc. Thế đấy, hôm nay em đã ăn tối với chị ấy. Bốn ngày trước em gặp chị ấy - chị ấy đi kiếm em và thú nhận chuyện đó. Em đang ngồi trong quán cà phê thì chị ấy bước vào, người run như lá liễu. Em hứa ăn tối với chị ấy. Chị ấy mang đến một bản thảo giống như tập nhật ký ghi lại tỉ mỉ, không chút ngượng ngùng tình yêu của mình đối với em - phải nói là viết rất được, chị ấy là người có tài năng văn chương, cảm nhận mọi điều rất sâu sắc và biết cách diễn tả tinh tế.
Đọc bản thảo đó là một việc nặng nhọc và hầu như không chịu nổi, nhất đây lại là nói về em. Chị ấy khiến em cảm phục và đồng cảm sâu sắc, nhưng nếu em có mặt ở Paris thì hai người chỉ gặp nhau tháng một lần.
Ảnh: internet. |
Em không ưa cái hội của chị ấy lắm, chị ấy biết điều đó. Đáng ngạc nhiên là bọn em lại có thể bình thản bàn luận về tình yêu của chị ấy đối với em và nói về chuyện ấy như về một căn bệnh. Nhưng, như anh có thể đoán ra được, đi theo hội chị ấy là một thử thách không dễ dàng gì. Chị ấy bao giờ cũng mời em vào các nhà hàng sang trọng, bắt buộc gọi champain và các món ăn đắt tiền nhất. Em nói chuyện khẽ tiếng, kể đủ thứ trên đời, cố tỏ ra thoải mái và vui vẻ. Chị ấy thì ngồi uống như điên.
Sau đó bọn em vào quán bar, ở đó chị ấy bắt đầu “ca” bài bi thảm, ảo não khiến em phát hoảng lên phải cáo từ. Còn chị ấy, em biết, đi về nhà khóc lóc, đập đầu vào tường và dự định kế hoạch tự sát. Chị ấy không muốn có bạn bè nào khác ngoài em, suốt ngày ngồi một mình, chờ một năm sáu lần gặp em. Em thấy hết sức nặng nề, khổ sở khi phải bỏ mặc chị ấy một mình trên phố trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, đầu óc quay cuồng với cái chết, nhưng em có thể làm gì được?
Thái độ mềm yếu và thông cảm từ phía em chỉ càng làm cho tình cảnh tệ hơn mà thôi. Dù em có thiện cảm với chị ấy bao nhiêu đi nữa, em cũng không thể hôn được chị ấy. Biết cách nào thoát ra được đây?
Sáng nay, em mang từ “Temps Modernes” (tờ tạp chí văn học-chính trị của giới trí thức cánh tả không cộng sản, thành lập năm 1946 bởi J-P Sartre cùng với S. de Beauvoir, R. Aragon, M.Merleau -Ponty - ND) về một đống bản thảo và cả ngày vùi đầu vào đọc. Trong đó có một bản tự thú khiến nhức nhối tâm can: một cô gái điếm kể lại đời mình.
Lạy Chúa, thế giới hiện ra trong mắt cô ta chỉ là cái cuộc đời duy nhất mà cô ta đã sống và chết đi mà không được biết đến một cái gì khác cả! Điều đó thật là khủng khiếp! Cô ta viết bằng một thứ ngôn ngữ thật thà, thô mộc, trần trụi nên hầu như không thể nào đăng được. Đáng khóc là những chuyện đó, chứ không phải khóc cho những cảm xúc vụn vặt của mình. Thế mà cô ta còn đủ sức cười cợt được!
Thế nhé, anh yêu, em đi ngủ đây. Em đã được an ủi phần nào khi viết xong thư cho anh. Em được tiếp thêm sức mạnh khi nghĩ rằng anh tồn tại, đang chờ đợi em, rằng tình yêu và hạnh phúc sẽ quay trở lại. Anh đã có lần nói với em rằng em đối với anh có ý nghĩa nhiều hơn là anh đối với em, nhưng không phải thế, hoàn toàn không phải thế đâu anh. Em buồn nhớ anh, em yêu anh, em là vợ anh, còn anh là chồng em. Em thiếp ngủ trong vòng tay anh đây, tình yêu của em.
Simone của anh.
Mối tình xuyên Đại Tây Dương của nữ văn sĩ Pháp
Trong thời gian lưu lại ở Chicago (Mỹ), bà Simone de Beauvoir đã gặp nhà văn Nelson Algren, để rồi khi rời đi, bà biết trái tim mình đã ở lại.