Theo một nghiên cứu mới của Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), tình trạng biến đổi khí hậu sẽ “xóa sổ” băng tuyết bao phủ trên 3 đỉnh núi tại quốc gia này trong vòng 5 năm tới, khiến những hình ảnh kỳ vĩ mang tính biểu tượng trong hàng vạn năm qua sẽ chỉ còn trong ký ức.
Ba ngọn núi lửa đang phải đối mặt với viễn cảnh không còn tuyết phủ trắng quanh đỉnh gồm Popocatépetl, Iztaccíhuatl và Pico de Orizaba. Đây là 3 ngọn núi có độ cao hơn 5.000m và cùng nằm ở khu vực miền Trung nước này.
![]() |
Một trong ba đỉnh núi tuyết của Mexico. (Nguồn: Aristegui Noticias) |
Giáo sư Hugo Delgado Granados, nhà nghiên cứu núi lửa thuộc Viện Địa Vật lý của UNAM, cho hay việc bảo tồn các khối băng trên hiện không còn khả thi do nhiệt độ trung bình tại Mexico liên tục tăng cao trong nhiều năm qua, trong khi tính đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp khoa học và nguồn lực nào đủ để duy trì sự tồn tại của các khối băng.
Đề cập tới khía cạnh học thuật, giáo sư Delgado cho rằng một khối băng thường được chia thành 2 khu vực bao gồm phần tích lũy (nơi tuyết rơi đóng băng lại) và phần tổn thất (nơi băng tan chảy).
Giữa hai khu vực này là đường cân bằng, nơi lượng băng tích lũy và lượng băng tan chảy bằng nhau, tuy nhiên đối với khối băng trên các đỉnh núi tại Mexico, đường cân bằng này gần như không còn tồn tại vì tình trạng khí hậu nóng lên đã khiến lượng tuyết rơi không đủ để bù đắp lượng băng tan chảy, do đó không thể duy trì lượng băng tuyết cần thiết.
Cũng theo giáo sư Delgado, trong khi khối băng tại đỉnh Iztaccíhuatl vẫn lay lắt phủ trắng dù theo lý thuyết chúng lẽ ra đã không còn do ngọn núi chỉ cao 5.230m thì khối băng tại Popocatépetl đang dần biến mất không chỉ do nhiệt độ tăng mà còn vì các đợt phun trào trong thời gian gần đây của ngọn núi lửa nằm cách thủ đô Mexico City khoảng 100km này.
Với trường hợp của Pico de Orizaba, còn gọi là núi Citlaltépetl, dù vẫn nằm trên đường cân bằng, song những hình ảnh mới nhất cho thấy nền đá bên dưới khối băng dần lộ rõ. Trong vòng 5 năm qua, ngọn núi này đã mất 20% khối lượng băng.
Theo nhà khoa học, tình trạng biến mất sông băng không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn vì ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan trong khu vực như El Niño, La Niña và tình trạng hạn hán kéo dài.
Nếu các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến tiêu cực, các khối băng có thể biến mất sớm hơn cả dự báo.
Ngoài vai trò điều tiết khí hậu và cung cấp nguồn nước, ba ngọn núi băng Citlaltépetl, Iztaccíhuatl và Popocatépetl còn có giá trị văn hóa-tâm linh đặc biệt trong thế giới quan của các cộng đồng bản địa.
Việc các sông băng này biến mất sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nông nghiệp và sinh kế mà còn tác động đến bản sắc văn hóa của người dân địa phương.
Trước đây, các vùng núi cao như Ajusco, Nevado de Toluca và Sierra de las Cruces ở phía Tây lưu vực Mexico cũng từng có sông băng, nhưng đến nay chúng đã biến mất hoàn toàn và chỉ còn được phủ một lớp tuyết mỏng vào mùa Đông.
Trước tình trạng khẩn cấp toàn cầu, từ năm 2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cùng Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã chính thức công bố năm 2025 là Năm Quốc tế về Bảo tồn băng tuyết.
Nghiên cứu phát triển loại thuốc có tính đột phá từ… miệng núi lửa
Loại thuốc mới này hứa hẹn cứu mạng hàng triệu người trên thế giới.