Nguy cơ núi lửa “thức giấc” khi băng tan ở Nam Cực

Một mối hiểm họa đang ngủ yên có nguy cơ thức giấc sau dưới lớp băng đang tan dần ở miền Tây Nam Cực.

Ẩn sâu dưới lớp băng dày 1–2 km của vùng lãnh nguyên băng giá Tây Nam Cực là một mối đe dọa tiềm ẩn: các vết nứt núi lửa đang âm ỉ hoạt động. Sự tan chảy của lớp băng này không chỉ là hậu quả của biến đổi khí hậu mà còn có thể kích hoạt một chuỗi phản hồi nguy hiểm giữa băng tan và hoạt động núi lửa, đẩy nhanh tốc độ tan băng và làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường toàn cầu.

Nguy cơ núi lửa “thức giấc” khi băng tan ở Nam Cực

Hiểm họa từ lòng đất

Theo nghiên cứu mới nhất, sự giảm áp suất do băng tan có thể khiến magma trong các khoang dưới lòng đất giãn nở, tạo thêm áp lực lên lớp vỏ Trái đất và kích thích các vụ phun trào núi lửa. Bên cạnh đó, khi magma nguội đi, nước và khí carbon dioxide hòa tan trong magma có thể hình thành bong bóng khí, làm tăng nguy cơ phun trào. Sự tương tác này không chỉ làm băng tan nhanh hơn mà còn tạo ra vòng xoáy nguy hiểm, làm mất kiểm soát quá trình này.

Báo cáo từ NASA cho thấy, mỗi năm Greenland mất khoảng 270 tỉ tấn băng, trong khi Nam Cực mất khoảng 150 tỉ tấn. Tốc độ này ngày càng gia tăng, kéo theo nguy cơ mực nước biển dâng cao, đe dọa trực tiếp các khu vực ven biển và các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Sự tan băng tại dải băng Tây Nam Cực - khu vực dễ sụp đổ nhất của Nam Cực - lại ít được tính đến trong các mô hình dự báo tương lai.

Dưới sự chỉ đạo của nhà địa hóa học Allie Coonin (Đại học Brown, Mỹ), nhóm nghiên cứu đã thực hiện hàng nghìn mô phỏng về tác động của băng tan lên hoạt động địa chất tại Tây Nam Cực. Kết quả cho thấy, sự tan băng không chỉ làm gia tăng nguy cơ phun trào mà còn làm băng tan nhanh hơn do nhiệt lượng từ các vụ phun trào. Vòng phản hồi này có thể kéo dài hàng trăm đến hàng nghìn năm, vượt ngoài tầm kiểm soát của con người.

Lời cảnh báo từ các nhà khoa học

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, nếu không sớm đưa các yếu tố về hoạt động núi lửa vào mô hình dự báo, nhân loại sẽ khó có thể ứng phó hiệu quả với các kịch bản biến đổi khí hậu nghiêm trọng. "Ngay cả sau khi quá trình tan băng kết thúc, áp suất giảm trong thạch quyển vẫn khiến magma dễ dàng nén lại, làm tăng khả năng xảy ra các vụ phun trào lớn hơn", các nhà khoa học nhấn mạnh.

Để đối phó với mối nguy này, giới nghiên cứu kêu gọi đẩy mạnh công tác khảo sát địa chất tại Tây Nam Cực, đồng thời tích hợp các yếu tố tương tác giữa băng tan và núi lửa vào các mô hình dự báo. Chỉ bằng cách hiểu rõ cơ chế này, con người mới có thể xây dựng những chiến lược ứng phó kịp thời trước nguy cơ mực nước biển dâng cao và những biến động môi trường toàn cầu.

TM (theo Sciencealert)

Cơ chế sinh tồn thú vị của san hô trước biến đổi khí hậu

Cơ chế sinh tồn thú vị của san hô trước biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu mới đây trên tạp chí khoa học PLOS Biology đã hé lộ chiến lược sinh tồn của san hô chống lại quá trình tẩy trắng.