Những hành khách nào không cần xét nghiệm COVID-19 khi đi đường?

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành hướng dẫn tạm thời mới về tổ chức vận tải 5 lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và gắn liền với phạm vi đánh giá cấp độ dịch.

Theo đó, hướng dẫn tạm thời giao thông Vận tải gắn liền với phạm vi đánh giá cấp độ dịch. Cụ thể, cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng. Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam và cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã, khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

4.jpg

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp như: có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3, đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Đối với vận tải đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết tại các địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2 thì tổ chức hoạt động vận tải hành khách với tần suất bình thường.

Với địa bàn có dịch ở cấp 3, Bộ Giao thông Vận tải cho biết vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh (bao gồm cả xe buýt có hành trình từ hai tỉnh trở lên). Sở Giao thông Vận tải 2 đầu tuyến báo cáo UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số chuyến, theo lưu lượng đã được Sở công bố, và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm). Vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện

Với địa bàn có dịch ở cấp 4, dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe ô tô gồm: vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt, hợp đồng, du lịch (trừ xe công nghệ dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử), vận chuyển học sinh, sinh viên.

Đối với xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) phải đáp ứng yêu cầu có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử được phép hoạt động không vượt quá 20% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Phải nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, cấp dịch do địa phương công bố; yêu cầu lái xe chạy đúng hành trình và chỉ dừng, đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh) và đón, trả khách tại các địa điểm theo quy định.

Riêng đối với 2 lĩnh vực hàng không, đường sắt chưa áp dụng hướng dẫn tạm thời mới này, tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành cho đến ngày 20/10.

Đối với hàng không là các hướng dẫn số 1776 và 1786. Với đường sắt là quyết định số 1782. Bộ GTVT cũng đã giao nhiệm vụ cho Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam sơ kết, đánh giá thời gian thực hiện thí điểm tổ chức vận tải hành khách, đề xuất phương án giai đoạn tiếp theo, báo cáo Bộ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch quyết định.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang thí điểm tổ chức 2 đôi tàu khách Thống nhất Hà Nội - TP.HCM, xuất phát hàng ngày tại hai ga Hà Nội, Sài Gòn với hành trình đón, trả khách tại 23 ga theo quy định chạy tàu khách thí điểm của Bộ GTVT.

Để được vào ga đi tàu, hành khách đi từ địa phương, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) như TP.HCM, Bình Dương... đến địa phương, khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện, giấy xác nhận khỏi bệnh).

Đồng thời, phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu.

Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của Bộ Y tế như trẻ dưới 18 tuổi, người già có bệnh nền chưa tiêm được..., khi đi cùng người thân có đủ điều kiện trên cùng chuyến tàu thì phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu.

HẢI MY