Nỗ lực đến 25 Tết sẽ khống chế, kiểm soát được 2 ổ dịch

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định đến 25 Tết sẽ khống chế, kiểm soát được hai ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh, quyết tâm chặn được dịch trong vòng 10 ngày tính từ 28/1.

Chuẩn bị cho tình huống có 10.000 người bị nhiễm trong nước

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đợt dịch lần này có mức độ lây nhiễm rất cao. Chỉ sau một ngày, dịch đã lên đỉnh dịch cao nhất, với 82 trường hợp mắc mới và tiếp tục phát hiện thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Chỉ trong sáng 30/1, Hải Dương tiếp tục ghi nhận thêm 32 ca mắc cùng nhiều ca nhiễm ở các tỉnh thành khác có liên quan đến ổ dịch này.

thu-truong-nguyen-truong-son(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đợt dịch lần này có mức độ lây nhiễm rất cao, sau một ngày, dịch đã lên đỉnh dịch cao nhất, nhưng đến khoảng 25 Tết sẽ khống chế được 2 ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cảnh báo, hiện giờ các trường hợp lây nhiễm tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Gia Lai đều liên quan đến Quảng Ninh, Hải Dương. Tuy nhiên, COVID-19 có thể xảy ra ở một số tỉnh, thành khác. Các địa phương phải tập trung kiểm soát tình hình, phát hiện sớm qua truy vết, xét nghiệm. Cả nước phải đồng lòng vào cuộc.

“Bộ Y tế đã xây dựng các tiểu ban, trong đó có tiểu ban hậu cần, bảo đảm từ giờ đến Tết mọi phương tiện, trang thiết bị chuẩn bị sẵn sàng, chuẩn bị cho tình huống có 10.000 người bị nhiễm trong nước. Chúng ta quyết tâm chặn được dịch trong vòng 10 ngày từ 28/1. Đến 25 Tết có thể nỗ lực khống chế, kiểm soát được hai ổ dịch này”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Với ổ dịch Hải Dương, ông Sơn cho biết Việt Nam vẫn đang giải trình tự gien virus. Kết quả giải trình từ phía Nhật Bản cho thấy đây là biến chủng đột biến xuất xứ từ Anh. Biến chủng này từ nước Anh đã lan ra hơn 80 nước trên thế giới.

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết có nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, tình trạng nhập cảnh trái phép đã được nâng lên mức độ cảnh giác cao nhất, nhưng chúng ta cũng không thể hoàn toàn kiểm soát được.

xet-nghiem.jpg
Công tác xét nghiệm, phát hiện COVID-19 đang được đẩy mạnh tại các địa phương. Ảnh: Zing

Thứ hai là các trang phục bảo hộ của nhân viên phục vụ tại cảng, cửa khẩu chưa thực hiện đúng theo quy định, là yếu tố gây ra nguy cơ lây nhiễm từ hành khách mang virus đi các chuyến bay giải cứu về Việt Nam.

Thứ ba, điều kiện bảo đảm an toàn trong khu cách ly và cơ sở tập trung được quản lý tốt, nhưng cũng có thể có khâu lơ là, quá trình tiếp xúc người cách ly chưa phát hiện mắc bệnh, sau đó lây ra cộng đồng.

Để đối phó với virus biến chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh, biện pháp xử lý quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam là phát hiện, truy vết thần tốc, cách ly và khoanh vùng để dập dịch.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, việc truy vết F0 là cần thiết. Nhưng kinh nghiệm từ Đà Nẵng cho thấy dù chúng ta chưa phát hiện F0 vẫn truy vết được. Do đó, ưu tiên đầu tiên thời điểm này là truy vết các trường hợp có tiếp xúc liên quan các bệnh nhân.

hai-duong-phong-toa(1).jpg
TP Chí Linh tỉnh Hải Dương, nơi bùng phát dịch COVID-19 đang được phong tỏa nghiêm ngặt. Ảnh: SKĐS

Không chỉ xét nghiệm cho F1, F2, F3 mà tại Quảng Ninh đã xét nghiệm lên tới F4. Cần mở rộng cộng đồng thuộc diện nghi ngờ để làm xét nghiệm. Việc xét nghiệm Quảng Ninh đang làm rất tốt.

Tại Hải Dương, các chuyên gia xét nghiệm từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã về hỗ trợ địa phương xét nghiệm.

Bộ Y tế cũng hỗ trợ chuyên gia, sinh phẩm, trang phục bảo đảm an toàn có đủ nguồn chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Sớm có vaccine COVID-19

Về vaccine ngừa COVID-19, Việt Nam đã ký hợp đồng với một công ty nước ngoài nhập vaccine cần thiết sử dụng cho Việt Nam. Astra Zeneca đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 30-50 triệu liều trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn tiếp tục làm việc với các đối tác để có thể tăng thêm số lượng vaccine cho Việt Nam. Dự kiến trong quý I, vaccine của Astra Zeneca (Anh) sẽ có mặt tại Việt Nam, và được tiêm cho người dân.

som-co-vaccine-covid-19.jpg
Dự kiến trong quý I/2021 sẽ có vaccine COVID-19 để tiêm cho người dân. Ảnh: Bộ Y tế

Với nguồn sản xuất trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, cho biết Việt Nam hiện có 5 đơn vị sản xuất COVID-19. Một số vaccine đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu và tiếp tục đôn đốc, hoàn thiện để sớm đưa vào sử dụng.

Bộ Y tế sẽ thiết lập labo xét nghiệm công suất đến 50.000 mẫu/ngày tại Hải Dương

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các điểm cầu Hải Dương và Quảng Ninh ngày 29/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ thiết lập labo xét nghiệm với công suất có thể lên đến 50.000 mẫu một ngày tại Hải Dương. Bộ đã điều động xuống Hải Dương một lực lượng rất lớn với nhiều chuyên gia đầu ngành.

Các cơ sở y tế trên đị bàn tỉnh Hải Dương phải lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, "ngăn" dịch vào Bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm hơn nữa vấn đề phòng tỏa, đặc biệt là “vùng lõi” có nhiều ca bệnh. Với các thôn có từ 2 ca bệnh trở lên phải xét nghiệm toàn bộ khu vực.

Q.HUY