Nợ xấu như thế nào ở 4 Big?

Việc xử lý nợ xấu của những ông lớn ngân hàng khối 4 big  được đẩy mạnh khi tích cực rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo, khoản nợ để thu hồi nợ. Nhưng tình trạng vẫn chưa khả quan trong quý III.

Vietcombankcũng trích lập dự phòng 2.500 tỷ đồng trong quý 3/2021, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Sau 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng của Vietcombank đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 33%. Chi phí dự phòng tăng khi nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh. Cụ thể, nợ xấu của Vietcombank tăng gấp đôi trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 10.884 tỷ đồng. Bao gồm, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, lên 3.122 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng lên 6.279 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng lên 1.483 tỷ đồng.

Hoạt động trích lập dự phòng rủi ro do nợ xấu tăng mạnh ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của Vietcombank. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 đạt 5.738 tỷ đồng, tăng 15,2%. Dù giảm tốc, đây vẫn là mức lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng trong quý 3 năm nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Vietcombank đạt 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mảng kinh doanh của Vietcombank đều tăng trưởng tích cực. Cụ thể, thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm của Vietcombank đạt 31.605 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 41% đạt 4.993 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 8% đạt 3.202 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 118 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động khác đạt 1.823 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank tăng 21% đạt hơn 41.800 tỷ thì chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm là 14.518 tỷ đồng chỉ tăng 15,2% so với cùng kỳ. Nhờ đó, tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập giảm từ 36,4% xuống 34,7%. Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,5% đạt 936.343 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,4% đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

VietinBank cũng có diễn biến tương tự ở nợ nhóm 3. Cụ thể, cuối tháng 9, nợ nghi ngờ của nhà băng này đã lên 11.630 tỷ đồng, gấp 7 lần so với đầu năm. Nợ nhóm 4 cũng tăng mạnh 57% lên 2.923 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lại có diễn biến tích cực. Nhóm nợ này cuối tháng 9 là 3.543 tỷ đồng, bất ngờ giảm mạnh hơn 8.700 tỷ đồng trong quý III, tương đương giảm tới 71%.

Theo đó, nợ xấu của VietinBank cuối quý III là 18.097 tỷ đồng, tăng 90% so với đầu năm. Hiện nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 20% trong cơ cấu nợ xấu của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của VietinBank tăng từ 0,94% hồi đầu năm lên 1,67% cuối tháng 9/2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 118%.

Nợ xấu tại BIDV lại có diễn biến khả quan hơn khi duy trì đi ngang so với đầu năm, cuối tháng 9 ở mức 21.433 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 85%, nợ nhóm 4 tăng 28%, nợ nhóm 5 lại giảm 16% xuống 13.881 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,76% xuống 1,61%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 140%

 BIDV cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý 3, chi phí tích lập dự phòng của BIDV đã tăng 30% lên khoảng 7.500 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng đã trích lập dự phòng tới 23.194 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Việc trích lập dự phòng lớn khiến lợi nhuận của BIDV suy giảm, dù các mảng kinh doanh chính vẫn ghi nhân tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 12.204 tỷ đồng trong riêng quý 3, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, mảng này ghi nhận thu nhập lãi gần 36.000 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt xấp xỉ 1.600 tỷ đồng trong quý 3/2021 và đạt 4.770 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng trưởng 30%.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng suy giảm. Đáng chú ý, BIDV đã lỗ thuần 342 tỷ đồng từ hoạt động chứng khoán đầu tư 9 tháng đầu năm. Tổng thu nhập hoạt động trong quý 3 của BIDV ở mức 15.247 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ trong khi tổng chi phí hoạt động tăng 29% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 10.176 tỷ đồng. Sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận quý 3 của BIDV giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ, còn 2.674 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng 52%, ở mức 10.733 tỷ đồng.

Lộ trình IPO vẫn chênh vênh

Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ 2021. Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 9.464 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 7.572 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, xếp thứ 3 trong nhóm Big4 sau Vietcombank và VietinBank. Trong khi doanh thu tăng mạnh thì chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm của Agribank lại giảm gần 6%, còn 11.466 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng chi phí hoạt động trên tổng thu nhập là 16,86%, giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 2,36%, tương ứng tỷ lệ giảm 12,3%.

Chi phí tiết giảm giúp khiến lợi nhuận trước chi phí dự phòng của Agribank tăng mạnh 70% đạt 22.114 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Trao đổi với báo chí trước đó, lãnh đạo Agribank cho biết, mặc dù Thông tư 03 cho phép các ngân hàng được giãn thời hạn trích lập dự phòng cho nợ cơ cấu trong 3 năm, song ngân hàng dự định trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ nợ cơ cấu trong năm nay. Sau khi trừ chi phí dự phòng rủi ro 12.650 tỷ đồng (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế 6 tháng của Agribank đạt 9.464 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Mặc dù nợ xấu tuyệt đối lớn, song điểm đáng mừng là tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Agribank đã tăng mạnh lên 130% so với mức xấp xỉ 100% cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) của ngân hàng giảm khá mạnh (giảm 13%) so với cuối năm 2020.

Tĩnh Kiên

(Tổng Hợp)