Nữ khoa học gia kể hành trình cô độc ở sao Hoả trắng (Kỳ II)

Thời gian này đã vào ngưỡng khủng hoảng tâm lý cho đội mùa đông. Họ đã đi được hơn một nửa chặng đường làm nhiệm vụ. Nhưng thời điểm này, các cơn stress cũng đạt đến dỉnh cao. Môi trường đơn điệu, hạn chế không gian riêng tư, mọi hoạt động xã hội đều không có sự biến đổi, tinh thần và thể chất đều suy giảm.

Tháng 6/2018, NASA chính thức công bố kế hoạch chiến dịch mặt trăng - Sao Hỏa như một phần của các văn bản Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kết hồi tháng 12-2017. Văn bản yêu cầu tiếp tục thăm dò mặt trăng và bắt đầu các nhiệm vụ Sao Hỏa do con người trực tiếp thực hiện vào năm 2030.

Để chuẩn bị cho kế hoạch đó, trong nhiều năm, người ta đưa các nhóm người tới các trạm nghiên cứu ở Nam Cực, trong đó có trạm Concordia để tiến hành các thử nghiệm tâm lý con người.

Tiến sĩ Nadja Albertsen là bác sĩ được cử đến Concordia để theo dõi sự biến đổi tâm lý của những người ở Nam Cực mùa đông 2019.

PV CNN đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nadja Albertsen trong thời gian cô vẫn ở Concordia. Và đây là bài viết ghi lại cuộc sống từ lúc ánh mặt trời biến mất cho đến khi mặt trời trở lại suốt mùa đông ở nơi được mệnh danh là sao Hoả trắng (cuối tháng 8). Bài viết có 4 phần. Xin lược dịch.

Nữ khoa học gia kể hành trình cô độc ở sao Hoả trắng (Kỳ II)

Kỳ 2: Ngưỡng khủng hoảng

Quả táo cuối cùng đã biến mất. Trước đó, nó đã thối, không đúng, ở đây không có chuyện thối rữa, nó héo dần đi trên bàn bếp. Người lấy nó vẫn là một bí ẩn. Sự biến mất của quả táo đánh dấu sự cạn kiệt của nguồn hoa quả tươi và rau xanh trong mùa đông ở Concordia.   

Albertsen đã có một đường mạng tốt hơn khi nói chuyện qua Skype với PV vào ngày 4/7.  Lần này có nhiều thứ để kể, đặc biệt là một hoạt động cộng đồng lớn nhất Nam Cực – Lễ hội giữa mùa đông

Lễ hội giữa mùa đông bắt đầu từ 21/6 là một truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống ở Nam Cực. Một kỳ nghỉ 5 ngày, với các hoạt động như thi làm bánh, trò chơi săn tìm kho báu, hát karaoke, đánh bạc xuyên đêm, đêm hoá trang và cuộc thi người đẹp Miss Concordia được tổ chức.

Các căn cứ nghiên cứu cũng gửi lời chào với nhau và kèm lời mời đến dự bữa tối. Tuy nhiên, họ đều biết chẳng ai có thể đến dự trong điều kiện khi ấy.

Sự biến đổi ngày – đêm – ngày chỉ là một đường sáng mảnh như kẻ chỉ màu cam kéo ngang đường chân trời vào buổi trưa.

Một máy đào đang làm việc phía ngoài trạm. Ảnh chụp vào buổi trưa, ánh sáng chỉ là một đường kẻ chỉ màu cam kéo ngang chân trời/ Ảnh: Albertsen
Một máy đào đang làm việc phía ngoài trạm. Ảnh chụp vào buổi trưa, ánh sáng chỉ là một đường kẻ chỉ màu cam kéo ngang chân trời/ Ảnh: Albertsen

Mặc dù là lễ hội giữa mùa đông nhưng rượu thì luôn có đủ. Người giữ chìa khoá kho của Concordia là vị bác sĩ người Ý. Albertsen biết trong kho có khá nhiều rượu: “Một tháng trước anh ấy nói với tôi là kho còn khoảng 900 chai rượu, đấy là chưa kể vang và bia. Tôi nghĩ đủ để chúng tôi tiệc tùng cả năm ấy chứ”.

“Tinh thần đang lên cao”, cô bổ sung, “Ít nhất là với tôi, lễ hội giữa mùa đông là hoạt động thực sự tuyệt vời. Bởi vì nó khiến mọi người xích lại gần nhau hơn”

Một vài thành viên không hào hứng với các hoạt động cộng đồng. Albertsen giải thích: “Có vài người thuộc tuýp chỉ thể hiện khi bị bắt buộc phải thế, và dường như một ngày họ chỉ xuất hiện trong bữa ăn. Họ làm công việc của mình, họ làm việc rất tốt. Nhưng họ không thực sự muốn gặp gỡ người khác”.

“Tôi nghĩ do sự xáo trộn giấc ngủ ngày một rõ rệt, nó khiến con người trở nên mong manh và không đủ khả năng đối phó với các hoạt động cộng đồng như bình thường”, vị tiến sĩ y khoa bổ sung.

Thời gian này đã vào ngưỡng khủng hoảng tâm lý cho đội mùa đông. Họ đã đi được hơn một nửa chặng đường làm nhiệm vụ. Nhưng thời điểm này, các cơn stress cũng đạt đến đỉnh cao. Môi trường đơn điệu, hạn chế không gian riêng tư, mọi hoạt động xã hội đều không có sự biến đổi, tinh thần và thể chất đều suy giảm. Albertsen khá quan tâm là những trải nghiệm của cô và thành viên trong đội lần này có giống các đội trước đó không.

Trong lịch sử nghiên cứu Nam Cực, hiện tượng tâm lý chồng chéo đã được nhắc đến nhiều lần.

Năm 1900, nhà thám hiếm người Mỹ Frederick cũng đã mô tả về chứng trầm cảm, khó chịu, đau đầu và mất ngủ của các thành viên trong đoàn suốt mùa đông Nam Cực năm 1898 – giai đoạn đầu tiên có con người ở đây.  Những triệu chứng này sau đó được gọi tên là hội chứng "quá ngưỡng mùa đông" (Winter-over).

Một hội chứng khác làm suy giảm hormone tuyến giáp T₃ (Triiodothyronine) – còn gọi là hội chứng "Cực T₃" (Polar T₃) - cũng được nhắc đến khi nghiên cứu.

Đây là 2 hội chứng thường thấy chỉ có ở nhóm người đang ở Nam Cực, biểu hiện như trầm cảm, nhận thức đứt quãng, hay quên, khó tập trung, suy giảm hormone tuyến giáp

Người ở Nam Cực vào ban đêm thường trạng thái mắt mở thao láo, đầu óc trên mây trên gió, không tập trung vào gì, có xu hướng trốn chạy, một dạng kết hợp của hội chứng quá ngưỡng mùa đông và hội chứng cực T₃.

Triiodothyronine, còn được gọi là T₃, là một hormone tuyến giáp. Nó ảnh hưởng đến hầu như mọi quá trình sinh lý trong cơ thể, bao gồm sinh trưởng và phát triển, sự trao đổi chất, nhiệt độ cơ thể và nhịp tim. (Nguồn: Wikipedia)

Trong một hồ sơ công bố năm 2018 có sử dụng những dữ liệu của Concordia mô tả trạng thái “tâm lý ngủ đông” vào “quý III”. Một số người đã trải qua giai đoạn mùa đông ở đây từng thể hiện trang thái ít bị kích thích hơn, tâm lý ổn định hơn. Nghiên cứu chỉ ra trạng thái tâm lý ngủ đông có thể là có ích và được xem như là một cơ chế để cơ thể thích ứng đối phó với các yếu tố gây căng thẳng mãn tính.

Những ghi chép trong hồ sơ năm 2018 cho thấy, những thành viên của đội Sao Hoả 500 (Mars500)– một nhóm người tham gia mô hình thử nghiệm mô phỏng cuộc sống tách biệt ở Sao Hoả (một chương trình do ESA đồng điều hành năm 2010-2011) - đã thể hiện những thay đổi trong hành vi tương tự như các thành viên đội ở Concordia vào “quý III” của nhiệm vụ kéo dài 520 ngày của họ.

Hiện tượng “quý III” (The third quarter phenomenon), chỉ thời gian mà tâm trạng sụp đổ đến đáy, không chỉ nói về các trường hợp ở Nam Cực hay Concordia.

Trong một dự án nghiên cứu về tâm lý ở các vùng lạnh, xuất hiện một số phỏng đoán không có trong báo cáo cuối cùng vì thiếu dữ liệu. Theo đó, giai đoạn khó khăn nhất của con người ở các vùng này không phải là lúc đỉnh điểm của mùa đông lạnh giá mà là vào tầm tháng Hai, khi gần cuối đợt lạnh. Các giáo sĩ cho rằng thời điểm này họ phải tăng cường tư vấn cho các cặp vợ chồng có xích mích. Cảnh sát thì thừa nhận tỷ lệ các vụ ẩu đả tăng cao. Các đơn vị quân đội thì xác nhận nhiều trường hợp xin nghỉ phép hơn.

Những người sống ở Nam Cực cũng có hiện tượng quý III, vào tầm tháng Tám – cuối mùa đông của họ. Tuy nhiên, một số người ở đây lại có biểu hiện của việc chống lại căng thẳng trong tâm lý, còn gọi là tâm lý ngủ đông

Có thể suy luận là "tâm lý ngủ đông" có ích cho nhiệm vụ Sao Hoả? Jennifer Fogarty, Giám đốc khoa học Chương trình nghiên cứu con người của NASA thì không chắc lắm vào điều đó.

“Câu hỏi đặt ra là nó sẽ kéo dài bao lâu”, bà nói, “Nó có thể thể hiện ở các khung thời gian khác nhau mà không để lại hậu quả, nhưng nếu bạn kéo dài mãi như thế, thì đó chỉ là một kiểu trì hoãn khỏi cảm giác không thể trốn tránh. Bạn lại đâm đầu vào một vách đá nữa à?”

Vị giám đốc nhận định, bất chấp những thách thức sẽ đến, việc giữ các phi hành gia điều chỉnh và hoà hợp tâm lý, cảm xúc trong suốt hành trình dài có lẽ tốt hơn. “Các phi hành gia sẽ tập đi trên một sườn dốc thoai thoải hơn là đi trên một vách đá dựng đứng”, bà nói.

Các thành viên trong đoàn ra ngoài trạm với chiếc đèn pin gắn trên đầu/ Ảnh: Albertsen
Các thành viên trong đoàn ra ngoài trạm với chiếc đèn pin gắn trên đầu/ Ảnh: Albertsen

NASA tin rằng các triệu chứng rối loạn tâm lý trong vũ trụ có thể nhiều hơn so với các trường hợp được ghi nhận. Các phi hành gia dường như chỉ miễn cưỡng báo cáo các triệu chứng trầm cảm vì ngại sự giám sát của các bác sĩ và sợ ảnh hưởng không tốt tới chuyến bay sau của họ - cơ quan này đã tiết lộ trong một báo cáo năm 2016.

“Đó là một phạm vi rất nhạy cảm”, Fogarty nói, bổ sung rằng NASA đã “làm rất nhiều để thay đổi thói quen ấy”. Bảng câu hỏi và các bài kiểm tra được thực hiện suốt hành trình, nhưng thường dữ liệu không được tiết lộ vì thuộc quyền riêng tư. Nhưng với một số người sẽ phải tiếp tục bay vào vũ trụ, dữ liệu đó khó có thể để ẩn danh.

Quay trở lại câu chuyện ở Concordia, Albertsen giữ phần trả lời bảng hỏi của mọi thành viên trong đội, đó là một phần trong các dự án nghiên cứu mà cô tham gia. Cô cho rằng sẽ dễ hơn cho các thành viên khi đề cập đến vấn đề sức khoẻ tâm lý bằng cách trả lời bảng hỏi thay vì nói ra như bình thường.

Ngay cả người làm nhiệm vụ đánh giá các kết quả bảng hỏi  như Albertsen cũng đang tự đánh giá chính bản thân mình. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ phân tích các bản báo cáo hàng tuần cô gửi ESA, đánh giá tình trạng tâm lý của cô và các thành viên khác qua những dòng chữ trên giấy.

“Chúng tôi có một tình huống khó khăn trong mùa hè rồi”, cô giải thích. “Thứ Hai trước tôi đã gửi cho cậu ta (nghiên cứu sinh -ND) một bản báo cáo tuần và tôi viết khá rõ về cái đang diễn ra. Đấy, thật là thú vị khi xem kết quả nghiên cứu đấy”.

Albertsen đã không nói cụ thể hơn (với PV- ND), nhưng có vẻ “tình huống khó khăn” đó ám chỉ việc một thành viên của đoàn đã phải rời căn cứ và một thành viên khác được gửi đến thay thế. “Nó khá phức tạp”, cô tỏ ý áy náy. Và chúng tôi tạm dừng câu chuyện ở đó.

Tuy nhiên hầu hết quãng thời gian ở Concordia đều không có gì kịch tính, và Albertsen cũng chẳng muốn dành thời gian cho những thứ tiêu cực. Cô đọc sách, tập gym. Cô ngồi trong phòng khách, chẳng nói năng gì, chơi bài hay một vài trò chơi. Thi thoảng, cô đi ra ngoài, chụp ảnh các vì sao và dải Ngân Hà. Nếu may mắn, cô bác sĩ này còn thấy nam cực quang đang tắt dần.

Dải Ngân Hà phía trên trạm Concordia/ Ảnh: Albertsen
Dải Ngân Hà phía trên trạm Concordia/ Ảnh: Albertsen

 Nhà thiên văn học trong đội dự đoán mặt trời sẽ trở lại vào 15/8. Nhưng Albertsen cũng nghe vài người nói là vào 4/8.

“Tôi nghĩ mọi người đều trông ngóng qua cửa sổ vào mỗi giờ trưa, và tự hỏi sao những ngày này dài thế, và mặt trời thì đang sắp trở lại rồi”, “Cái cảm giác giống như sự khởi đầu của một sự kết thúc, và nó đã tác động lên mọi người, theo nghĩa cả tốt lẫn xấu”.

“Tôi thực sự tò mò xem điều gì sẽ đến vào tháng tới”.

Kỳ tới: Kiếm tìm giải pháp

"Nam Cực ngày một nhiều sự cố. Đã có báo cáo về các vụ bạo lực giữa các thành viên trong các trạm nghiên cứu, nguyên do đều từ việc căng thẳng do bị cô lập kéo dài. Vào tháng 10 năm 2018, một nhà nghiên cứu đã bị buộc tội đâm một người khác tại trạm Bellingshausen - một trạm nghiên cứu của Nga trên đảo King George.

Hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin thủ phạm đã tự nộp mình cho trạm trưởng, bị đưa trở lại Nga và bị buộc tội giết người. Vụ việc sau đó đã được hai bên hoà giải và không đưa ra xét xử".

MN (Theo CNN)

Nữ khoa học gia kể hành trình cô độc ở sao Hoả trắng (Kỳ I)

Nữ khoa học gia kể hành trình cô độc ở sao Hoả trắng (Kỳ I)

Trong sự hoang tàn lạnh lẽo của mùa đông ở Nam Cực, người ta đang chuẩn bị cho con người lên sao Hỏa.