TS. Nguyễn Tuyết Phương được Viện hàn lâm Khoa học thế giới (The World Academy of Sciences - TWAS) thuộc UNESCO vinh danh là Nhà khoa học trẻ (Young Afiliate) trong mạng lưới các nhà khoa học trẻ của TWAS giai đoạn 2013 - 2017 vì đã có đóng góp xuất sắc trong khoa học.
Đến nay chị đã công bố 16 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế, tham gia 7 đề tài các cấp, trong đó chủ nhiệm hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐH Quốc gia TP.HCM, một đề tài Nafosted và một đề tài quốc tế do TWAS tài trợ.
TS. Nguyễn Tuyết Phương. |
Ngay từ nhỏ, chặng đường học hành của TS. Nguyễn Tuyết Phương luôn ghi nhận những kết quả ấn tượng. Ngay khi tốt nghiệp THPT, chị được tuyển thẳng vào khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Đến khi ra trường, chị lại được giữ lại để hoàn thành bằng thạc sĩ rồi sang Đan Mạch làm đề tài cao học. Với chị, đất nước Đan Mạch đem đến cho cô những cơ hội “vàng” khi được tiếp xúc với nền khoa học tiên tiến, thiết bị nghiên cứu tối tân.
Chị nhanh chóng tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ĐH Roskilde với đề tài đậm tính ứng dụng “Khảo sát độ bền chất nhạy quang trong pin mặt trời DSC”. Đây là đề tài có sức ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp nghiên cứu của chị khi chị còn nhận được lời mời nghiên cứu hợp tác của GS. Torben Lund (khoa Hóa, ĐH Roskilde) nhằm ra đời loại pin mặt trời sử dụng chất màu nhạy quang dễ chế tạo và giá thành chỉ bằng 1/10 so với pin mặt trời silicon hiện hành. Nhận thấy nhiệt huyết với khoa học của cô gái Việt Nam, các giáo sư Đan Mạch đã động viên chị tham gia chương trình tiến sĩ. Vượt qua hàng trăm ứng viên từ nhiều quốc gia, chị xuất sắc nhận được học bổng toàn phần cho chương trình này. Không chỉ không phải lo lắng đến học phí, ăn ở, chị còn được đến nhiều nước châu Âu, tham gia các hội khoa học, đồng thời tiếp cận với môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, hiện đại.
TS. Nguyễn Tuyết Phương và đồng nghiệp. |
Với những gì đang có, nữ Tiến sĩ nhận được không ít những lời mời hấp dẫn với khoản lương "khủng". Bỏ lại tất cả, TS. Tuyết Phương về nước với mong muốn đem những thứ tiếp thu được về lại cho sinh viên trong nước. Nữ tiến sĩ cùng với các thầy cô khoa Hóa ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) thành lập nhóm nghiên cứu về pin mặt trời. TS. Nguyễn Tuyết Phương nhận thấy xu thế của thế giới là hướng đến nguồn năng lượng mới, rẻ và thân thiện với môi trường như mặt trời. Vì vậy, dù những nhà nghiên cứu Việt Nam mới chỉ chập chững bước vào lĩnh vực này nhưng kết quả của nó hứa hẹn đem lại nguồn năng lượng thay thế hiệu quả.
Hiện nay, nữ Tiến sĩ tập trung nghiên cứu pin quang điện hóa. Theo TS. Tuyết Phương, khả năng ứng dụng nghiên cứu Các giải pháp tăng cường độ bền và hiệu năng hoạt động của pin quang điện hóa sử dụng chất màu nhạy quang rất cao. Nếu pin năng lượng mặt trời phổ biến hiện nay chỉ có thể lắp trên mái nhà, pin quang điện hóa hoàn toàn cơ động trong việc lắp đặt. Có thể sản xuất trên tấm nhựa, cuộn tròn, gấp khúc được nhưng không làm vỡ cấu trúc của pin. Vì tính cơ động và chất màu nhạy quang sử dụng, loại pin mà nữ Tiến sĩ nghiên cứu có thể dùng như một loại vật liệu trang trí cho bức vách các tòa nhà kính đang có xu hướng nở rộ trong kiến trúc hiện nay.
Từ chối những điều kiện làm việc hấp dẫn đồng nghĩa chị phải đối mặt với bài toán kinh tế cả trong nghiên cứu cũng như cuộc sống hàng ngày, nhưng với nữ Tiến sĩ thì: “Truyền đạt những kiến thức hấp thụ cho những sinh viên năng động, mở ra hướng nghiên cứu nguồn năng lượng từ pin mặt trời cho các bạn trẻ đeo đuổi đam mê đã là hạnh phúc, không một đồng tiền nào so sánh được. Và đến lúc này, tôi thấy mình quyết định đúng đắn". Cứ như vậy, tình yêu dành cho công việc phát triển nghiên cứu của cô tiến sĩ 8X lớn dần lên. Bắt đầu từ bàn tay trắng nhưng chị và các đồng nghiệp không ngừng phát triển công việc dù trong điều kiện khó khăn.
Nữ tiến sĩ đam mê y học tái tạo
Năm 2019, chị được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á