TS. Nguyễn Thị Hậu (còn gọi là Hậu khảo cổ) sinh năm 1958 tại Hà Nội, quê gốc ở An Giang. Năm 1954, gia đình bà tập kết ra miền Bắc. Năm 1975, bà về Sài Gòn sinh sống, làm việc và gắn bó đến tận bây giờ.
Bà có bằng tiến sĩ khảo cổ học, từng làm việc tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Trước khi về hưu, bà là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM, tham gia giảng dạy ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Ngoài chuyên ngành khảo cổ, TS. Nguyễn Thị Hậu còn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam bộ. Một số chuyên khảo và tùy bút văn hóa của TS. Nguyễn Thị Hậu đã xuất bản: Đi và tìm trong đất, Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, Buổi trưa trong quán cà phê, Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ (TP.HCM), Thế giới mạng và tôi, Sài Gòn bao giờ cũng thế, Cách nhau chỉ một giấc mơ, Đô thị Sài Gòn - TP.HCM: Khảo cổ học và bảo tồn di sản...
TS. Nguyễn Thị Hậu |
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, TS. Nguyễn Thị Hậu đã trở thành gương mặt quá quen thuộc trong giới khảo cổ học cả nước. Nắng nôi, bụi bặm hoặc sương gió, rét mướt… chưa bao giờ làm bà chùn bước.
Chia sẻ về lý do chọn con đường khảo cổ, TS. Hậu cho biết: “Sau khi đất nước thống nhất, tại TP.HCM, khảo cổ học là một lĩnh vực khá mới mẻ, ít người lựa chọn. Vì thích, tôi đã học và gắn bó cho đến bây giờ". Với TS. Nguyễn Thị Hậu thì Hà Nội là tuổi thơ, Sài Gòn là nơi trưởng thành, còn Nam bộ là quê hương. Vì vậy, TS. Nguyễn Thị Hậu chọn Cần Giờ là điểm đến cho luận án tiến sĩ của mình trong những năm từ 1994 - 1997 và gắn bó, dành nhiều tâm huyết cho vùng đất này tới nay.
Mới đây, tại di tích Giồng Cá Vồ, các nhà khoa học mới phát hiện thêm một quần thể mộ cổ hơn 2.000 năm tuổi. Từ những phát hiện đầu tiên vào những năm 1976 - 1978, qua nhiều lần khảo sát và ba lần khai quật liên tục (1992, 1993 và 1994) và mới đây vào năm 2021 - 2022, các nhà khảo cổ học đã bước đầu phác dựng lịch sử Cần Giờ giai đoạn từ 3.000 đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay.
Vì khai quật trên một giồng đất, vị trí lại gần nhau nên kết quả giữa các lần không khác biệt nhiều quá. Tuy nhiên, với một người làm nghề như TS. Hậu, mỗi lần khai quật, phát hiện thêm những dấu tích khảo cổ, rồi mang chúng lên khỏi mặt đất là một điều rất thích thú, sung sướng. Kết quả khảo cổ học đã mở thêm một lớp trầm tích văn hóa lịch sử của Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.
Nằm ở vùng cửa sông - vịnh biển mang tính chất “mặt tiền” của lưu vực Đồng Nai rộng lớn, lại là “trạm trung chuyển” giữa hai lưu vực Vàm Cỏ - Đồng Nai hay là Tây - Đông Nam Bộ, Cần Giờ là nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa - kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa. Gần nửa thế kỷ, Cần Giờ và Sài Gòn - TP.HCM tổng hòa trong nhau; và tính chất biển mà từ đô thị Sài Gòn đến đô thị TP.HCM được phát triển liên tục từ đó tới giờ.
Giồng Cá Vồ nằm trong hệ thống 26 di tích ở rừng ngập mặn Cần Giờ. |
Những phát hiện khảo cổ độc đáo và có ý nghĩa lớn ở vùng đất này khá nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là kết quả nghiên cứu về văn hóa Óc Eo, văn hóa Đồng Nai, mối liên hệ nguồn gốc của hai nền văn hóa khảo cổ này cũng như sự đa dạng, phong phú do mối liên hệ với các nền văn hóa cùng thời ở Đông Nam Á và xa hơn. Nó cho chúng ta hiểu hơn về đặc điểm lịch sử - văn hóa Nam bộ trong bối cảnh chung của lịch sử - văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, có rất ít bạn trẻ quan tâm đến khảo cổ học do nhiều yếu tố khác nhau. Trước thực trạng này, TS. Nguyễn Thị Hậu đã chia sẻ một điều tâm huyết nhất với các bạn trẻ là hãy tận dụng mọi điều kiện, mọi cơ hội để tạo cho mình một nền kiến thức lịch sử - văn hóa rộng và vững chắc, từ đó mới có thể đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Và hãy làm những gì mà các bạn thấy đúng và cần thiết, đừng so đo chuyện đó lớn hay nhỏ vì bất cứ mình làm việc gì tử tế thì đều có ích.
Nữ Tiến sĩ trăn trở đưa phương pháp điều trị dị ứng của thế giới về Việt Nam với giá thành hợp lý
TS. Kim Tú trăn trở những kỹ thuật tiên tiến của thế giới để áp dụng cho bệnh nhân Việt Nam với giá thành hợp lý