Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Dược TPHCM, Trịnh Hoàng Kim Tú vẫn muốn trải nghiệm và tham gia vào làm nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy, năm 2014, Kim Tú tiếp tục theo học chương trình kết hợp Thạc sĩ – Nghiên cứu sinh, chuyên ngành Khoa học Y khoa (Medial Science) tại khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng dưới sự hướng dẫn của GS Hae-Sim Park, Bệnh viện Đại học Ajou, Hàn Quốc.
Được làm việc với GS Park - chuyên gia về Dị ứng - Miễn dịch nổi tiếng của Hàn Quốc, châu Á và thế giới - Kim Tú học không chỉ kiến thức mới, mà còn về phong cách làm việc tận tụy, nghiêm túc và cả cách thiết lập mô hình kết hợp khám bệnh lâm sàng - phòng thí nghiệm cơ bản - trung tâm thử nghiệm lâm sàng. Ban đầu, do chưa biết nhiều về y sinh và về kỹ thuật nghiên cứu cơ bản nên thí nghiệm của Kim Tú thất bại nhiều lần. Để vượt qua, chị tự động viên bản thân và tham gia nhiều hơn vào các cộng đồng nghiên cứu sinh nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Nhờ những nỗ lực vượt khó, Kim Tú tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa năm 2018. Chị tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại khoa của GS Park trước khi trở về nước vào năm 2020 và công tác tại Trung tâm Y Sinh học phân tử với nhiệm vụ là Trưởng nhóm “Dị ứng - Miễn dịch”.
TS Trịnh Hoàng Kim Tú cùng các đồng nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. |
Theo TS. Kim Tú, trước đây bệnh nhân dị ứng thường sử dụng thuốc kháng dị ứng và tiếp tục dùng thuốc nếu tái phát triệu chứng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu sâu xem bệnh nhân đó dị ứng với cái gì, có các biện pháp phòng ngừa tối ưu hơn. Do vậy, xu hướng thế giới đã đi đến nghiên cứu chuyên sâu về các loại dị nguyên gây dị ứng, ở cấp độ phân tử và tế bào (DNA, RNA, protein…). Nhờ đó, phương pháp điều trị mới ra đời, như giải mẫn cảm, thuốc sinh học, đặc hiệu hơn. Làm sao để bác sĩ Việt Nam có thể cập nhật ứng dụng các phương pháp ấy để hỗ trợ bệnh nhân trong điều trị, nâng cao chất lượng sống người bệnh là điều mà chị và đồng nghiệp luôn trăn trở, tìm giải pháp.
Nhóm nghiên cứu chuyên sâu Dị ứng - Miễn dịch do chị phụ trách kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản (nghiên cứu viên - giảng viên) và bác sĩ lâm sàng chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch. Làm việc chung, nhóm có thể nắm bắt được nhu cầu thực tế của bệnh nhân, cũng như thực hiện các nghiên cứu cơ bản để phục vụ cho chuyên ngành, hiểu sâu hơn về bệnh, hoặc có thể ứng dụng cho cộng đồng.
Sắp tới nhóm nghiên cứu của chị tập trung vào người dị ứng hải sản, sốc phản vệ, viêm da cơ địa. Mục tiêu chính là tìm hiểu khác biệt cũng như tương đồng giữa bệnh nhân Việt Nam với bệnh nhân thế giới, phương pháp, kỹ thuật có thể áp dụng cho bệnh nhân Việt Nam với giá thành hợp lý. Hy vọng sau một thời gian nữa, nhóm sẽ có thể chia sẻ những kết quả đầu tiên. Trong thời gian tới, nhóm sẽ nghiên cứu thêm các bệnh lý dị ứng khác, miễn dịch chuyên sâu hơn như dị ứng thuốc, giải mẫn cảm, suy giảm miễn dịch….
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú nhận giải Nhất “Tài năng trẻ Đại học Y Dược TPHCM” năm 2020. |
Cho đến nay, TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú đã thực hiện được 23 công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực dị ứng - miễn dịch và còn là tác giả của gần 30 bài báo khoa học đăng trên tạp chí y khoa quốc tế và trong nước. Với những đóng góp cho ngành y tế nước nhà, TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Nổi bật như giải Nhất giải thưởng “Tài năng trẻ Đại học Y Dược TPHCM” năm 2020.
Nữ Tiến sĩ 9X kỳ vọng phát triển nông nghiệp xanh trong tương lai
Năm 2018, TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung từ Mỹ trở về Việt Nam sản xuất thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp.