Nữ tiến sĩ đam mê y học tái tạo

Năm 2019, chị được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á, theo bình chọn của tạp chí Asian Scientist, là một trong 15 nhà khoa học được nhận giải thưởng này từ 275 đề cử khắp nơi trên thế giới.

Năm 2007, Nguyễn Thị Hiệp tốt nghiệp khoa hóa trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM lên đường sang Hàn Quốc học nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành hóa dược.

Năm 2012, Nguyễn Thị Hiệp hoàn thành luận án tiến sĩ, là một trong những nhà khoa học trẻ không chỉ riêng trong lĩnh vực của mình. Cô hoàn thành cả hai chương trình cao học và tiến sĩ trong năm năm cùng với thành tích đáng nể: 12 bài báo quốc tế và ba sáng chế có giá trị trong các hướng nghiên cứu khác nhau như băng gạc, xương nhân tạo và vật liệu tái tạo mô. Sau đó, TS. Hiệp trở về nước tham gia nghiên cứu, giảng dạy và trở thành một trong những nhà nghiên cứu y học tái tạo đầu tiên của Việt Nam. Năm 2021, vị phó giáo sư tuổi 40 này đã có hơn 170 công trình khoa học, gần 80 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, hơn 70 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế cùng bốn bằng sáng chế.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp
PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp

Trong thời gian học và nghiên cứu tại Hàn Quốc, PGS. TS Hiệp đã tiếp cận với nghiên cứu tế bào, mô, mạch máu, xương, dùng xương cấy ghép lại cho người. Điều này giúp cô có nhiều kinh nghiệm khi về nước gia nhập phòng nghiên cứu y sinh của Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM, góp sức cùng nơi đây gầy dựng ngành kỹ thuật y sinh và xây dựng chuyên ngành y học tái tạo còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Đại học Quốc tế lúc đó mới được thành lập chưa đầy mười năm, nơi cởi mở chấp nhận những công nghệ, kiến thức mới và các hướng nghiên cứu mới đã tạo điều kiện để tiến sĩ trẻ như Hiệp tiếp tục công việc sau khi về nước.

Tuy điều kiện nghiên cứu trong nước còn khó khăn nhưng quan trọng nhất là nữ tiến sĩ cảm nhận đây là môi trường tốt nên quyết tâm bám trụ. Cô cùng người thầy của mình – GS. Võ Văn Tới – lúc đó là trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh (nay đã nghỉ hưu) bắt tay gầy dựng khoa kỹ thuật y sinh và chuyên ngành y học tái tạo. Thiếu cơ sở vật chất, PGS. TS Hiệp cùng sinh viên đi mượn của đại học Khoa hoa Tự nhiên, đại học Y Dược để nghiên cứu. Thiếu nguồn tài chính, trưởng khoa Tới tìm cách vay tiền mua trang thiết bị xong đi xin dự án nghiên cứu để lấy nguồn trả tiền vay, thay vì đó là tiền công nghiên cứu của cá nhân.

Khó khăn là vậy, nhưng với niềm đam mê nghiên cứu, PGS. TS Hiệp cùng các cộng sự đã vượt qua tất cả và tiếp tục xây dựng các công trình mang tầm quốc gia và quốc tế. Sau bốn năm, năm 2016, cô trở thành một trong ba nhà khoa học trẻ được trao giải Nhà khoa học nữ tài năng 2016 của L’Oréal – UNESCO với đề tài mang tính phát hiện về titanium implant – một vật liệu tốt nhất trong nha khoa phục hồi.

PGS. TS Nguyễn Thị Hiệp (áo dài đỏ) trao đổi với sinh viên.
PGS. TS Nguyễn Thị Hiệp (áo dài đỏ) trao đổi với sinh viên.

Suốt những năm 2016 - 2020 PGS. TS Nguyễn Thị Hiệp đều được ghi nhận là một trong những nhà nghiên cứu xuất sắc của ĐHQG TP.HCM. Năm 2017, chị tiếp tục giành giải nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN – Mỹ về giải pháp giảm áp lực y tế nặng nề lên các thành phố lớn. Năm 2018, PGS. TS Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh nhà khoa học nữ trẻ tài năng của thế giới ở giải thưởng quốc tế L’Oréal – UNESCO với công trình “Keo thông minh trong điều trị lành thương” giúp cầm máu, diệt khuẩn và tạm chữa lành vết thương. Năm 2019, chị được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á, theo bình chọn của tạp chí Asian Scientist, là một trong 15 nhà khoa học được nhận giải thưởng này từ 275 đề cử khắp nơi trên thế giới.

Nổi bật trong những nghiên cứu của PGS. TS Hiệp là keo thông minh trong điều trị vết thương. Để chế tạo loại gel này, sau khi oxy hóa alginate, nhóm của PGS.TS Hiệp sẽ cho chitosan trải qua hai bước kiềm hóa và ête hóa thành N,O - carboxymethyl chitosan để tan được trong môi trường pH trung tính. Sau đó, nhóm chức amino trong phân tử chitosan này sẽ tạo liên kết cộng hóa trị với nhóm chức aldehyde trong phân tử alginate được oxy hóa. Cuối cùng, với khả năng hòa tan tốt, β-tricalcium phosphate sẽ được phối trộn với hydrogel tự liên kết chéo alginate và chitosan. Phương pháp này dựa vào phản ứng cộng hóa trị tự liên kết chéo mà không cần bổ sung chất cố định, từ đó hạn chế độc tính của sản phẩm đối với tế bào và mô sống.

Nói về những giải thưởng liên tục đạt được những năm qua, PGS. TS Nguyễn Thị Hiệp không giấu niềm tự hào. Chị cũng cảm thấy vinh dự khi đại diện trường, đại diện quốc gia tham dự các hội thảo quốc tế và truyền cảm hứng nghiên cứu cho giới trẻ. PGS. TS Hiệp cũng không giấu dự định lớn lao mà chị và các cộng sự đang theo đuổi. Đó là một loại keo vạn năng, có thể tái tạo tế bào nuôi cấy tim, gan, thận… và làm thế nào để sản phẩm sớm được úng dụng trong cuộc sống.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Nữ tiến sĩ Việt giành giải Quả Cầu Vàng khoa học 2022

Nữ tiến sĩ Việt giành giải Quả Cầu Vàng khoa học 2022

Cô vinh dự được nhận giải thưởng thưởng dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu nổi bật của Hiệp hội Vật liệu Sinh học Hàn Quốc năm 2021.