Nữ vận động viên quần vợt kể về việc bị cha đẻ lạm dụng từ năm 6 tuổi, 10 năm chiến đấu với trầm cảm

Jelena Dokic nói rằng rằng cô đã phải trải qua “cảm giác buồn và đau đớn thường xuyên”, suýt tự vẫn tại nhà do trầm cảm

Cựu vận động viên quần vợt người Úc, Jelena Dokic cho biết cô “suýt nhảy khỏi ban công căn hộ tầng 26 để kết liễu cuộc đời” trong một bài đăng đầy cảm xúc trên Instagram hôm thứ Hai vừa qua.

Bài viết đi kèm một bức hình chụp cận cảnh với khuôn mặt cô đỏ bừng và đôi mắt đẫm lệ như đang khóc, Dokic cho biết cô gần như kết liễu đời mình vào ngày 28 tháng 4 vừa rồi.

Jelena Dokic chia sẻ bức ảnh đầy nước mắt trên telegram
Jelena Dokic chia sẻ bức ảnh đầy nước mắt trên telegram

“Sẽ không bao giờ quên ngày ấy. Mọi thứ đều mờ ảo, tăm tối. Không giọng điệu, không hình ảnh, không gì có ý nghĩa… chỉ là nước mắt, nỗi buồn, sự chán nản, lo âu và đau đớn”, cô viết.

Người phụ nữ 39 tuổi này cũng giải thích trên Instagram rằng cô đã phải trải qua “cảm giác buồn và đau đớn thường xuyên” như thế nào và việc nhận được sự trợ giúp chuyên nghiệp đã giúp cứu mạng cô.

Chia sẻ với CNN, cô cho biết: “Sáu tháng qua thực sự khó khăn. Tôi khóc ở mọi nơi. Từ việc trốn trong phòng vệ sinh, lau nước mắt để không ai nhìn thấy cho đến việc khóc không ngừng giữa 4 bức tường tại nhà riêng. Điều ấy thực sự không chịu đựng nổi”.

Dokic đã làm phát thanh viên cho truyền thông Úc từ khi giải nghệ vào năm 2014. Cô từng giành 6 danh hiệu WTA Tour, đạt vị trí cao trong sự nghiệp – xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng thế giới. Cô đã vào đến bán kết Wimbledon năm 2000 và tứ kết Pháp mở rộng và Úc mở rộng lần lượt vào các năm 2002 và 2009.

Trên bài đăng Instagram, cô cho biết bản thân đang “trên đường hồi phục”: “Có những ngày tốt hơn những ngày khác, và đôi khi tôi tiến một bước rồi lại lùi một bước nhưng tôi đang cố gắng, và tôi tin tôi có thể vượt qua được việc này”, Dokic nói.

Cựu vận động viên quần vợt người Úc, Jelena Dokic (Ảnh: internet).
Cựu vận động viên quần vợt người Úc, Jelena Dokic (Ảnh: internet).

Trong cuốn tự truyện “Unbreakable” của mình, cô kể chi tiết những cáo buộc lạm dụng thể chất, lời nói và tinh thần mà cô nói cha cô đã gây cho cô trong suốt sự nghiệp quần vợt. Tờ New York Times đưa tin rằng ông đã phủ nhận ít nhất một cáo buộc về việc lạm dụng thể chất đối với con gái mình khi cô còn ở tuổi vị thành niên.

“Đó là một chủ đề rất khó mà tôi đề cập trong cuốn sách, không chỉ về cha tôi và toàn bộ sự lạm dụng từ năm 6 tuổi, khoảng chừng, trong hơn 20 năm. Tôi đã chiến đấu với chứng trầm cảm trong một thời gian rất dài, gần 10 năm, và có giai đoạn tôi đã suýt tự tử”, cô chia sẻ.

Dokic sinh ra ở Croatia, sau đó cùng gia đình chạy sang Serbia và rồi sang Úc khi chiến tranh nổ ra ở khu vực Balkans. Với việc chia sẻ những trải nghiệm bản thân, cô hy vọng sẽ “nâng cao nhận thức về tình trạng lạm dụng, bạo lực gia đình bên trong và cũng như ngoài lĩnh vực thể thao”.

Có thời điểm, cha của Dokic – ông Damir không phản ứng trước yêu cầu bình luận của CNN. Năm 2009 trên tờ Blic của Serbian, ông cho biết “không có đứa trẻ nào mà không từng bị cha mẹ đánh, giống như Jelena”.

Trên bài đăng của Dokic, có một lượng lớn sự ủng hộ dưới phần bình luận, gồm cả những bình luận từ cộng đồng quần vợt.

“Tôi ở đây vì bạn, chỉ cách một cuộc điện thoại thôi”, cựu cầu thủ Úc Mark Philippoussis chia sẻ. Trong khi ngôi sao Pháp Alizé Cornet thì động viên: “Bạn có thể làm được Jelena… chúng tôi yêu bạn!”.

Dokic kết thúc bài viết bằng một lời nhắc nhở tới những ai cũng đang đau khổ tìm sự giúp đỡ, động viên rằng họ không cần phải thấy xấu hổ

“Tôi viết bài này bởi tôi biết bản thân không phải người duy nhất đang gặp khó khăn. Bạn chỉ cần biết rằng bạn không đơn độc. Tôi sẽ không nói rằng giờ tôi đang rất tốt, nhưng tôi chắc chắn đang trên đường hồi phục”.

Cô nhắc nhở mọi người rằng thấy buồn cũng không sao, nhưng bạn phải tiếp tục chiến đấu.

“Yêu tất cả các bạn, và đây là để chiến đấu và tồn tại để sống, và để thấy được ngày mai. Tôi sẽ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Minh Nguyễn (theo CNN)

Trầm cảm trong giới nghệ sỹ:  Ánh sáng không ở nơi cuối con đường

Trầm cảm trong giới nghệ sỹ: Ánh sáng không ở nơi cuối con đường

Dường như ngày càng có thêm nhiều nghệ sỹ đầu hàng trước cơn bạo bệnh tưởng như không hề có thật này.