O miền Trung

Hàng xóm nói, không chồng con, làm chi cho lắm, cực thân. O ko nói gì, một mình qua đường, đi qua sóng gió, chông chênh chao đảo kiếp đàn bà lẻ loi.

O Yên. Tên đầy đủ là Nguyễn Thị Bình Yên. Sinh ra vào thời loạn, nửa đất nước này chĩa súng vào nửa đất nước kia, thầy mẹ o, những mong đời con gái mình không te tua tan nát như đời anh chị o bởi chiến tranh.

Tên thì thế, ước mơ thì thế, nhưng đời sống, không bao giờ như thơ, như mơ. O tạ thế năm 2000, hưởng dương 63 tuổi. Tuổi lẻ. Người ta bao giờ cũng chết vào cái tuổi lẻ. Không mấy ai chết vào tuổi chẵn bao giờ. Kể cũng lạ và bí ẩn. Mơ hồ như đời người17 tuổi, o như chiếc lá mong manh bị cuốn theo phong trào ra trận.

Tiểu đội o, 9 cô gái đồng trinh,cô nào cũng đẹp và đều mang tên một loài hoa. Không cô nào sống sót, chiến tranh khiến đời hoa cũng phong sương theo trận mạc. Rừng thiêng nước độc, đạn bom, chiến tranh đã lấy cắp đi của o, tuổi thanh xuân và nhan sắc, giấu mãi nơi nào không chịu hoàn trả khi đất nước ngưng máu chảy đầu rơi.

O không về quê, một mình lầm lũi ngược xuôi đất Hà thành rồi xin được làm chân cấp dưỡng ở một trường đại học. Ngày làm quần quật, tối thâu đêm bán trà đá. Lăn lộn mấy chục năm cũng mua nổi cho mình một căn nhà, làm người Hà Nội. Hàng xóm nói, không chồng con, làm chi cho lắm, cực thân. O không nói gì, một mình qua đường, đi qua sóng gió, chông chênh chao đảo kiếp đàn bà lẻ loi...

O một mình qua đường, đi qua sóng gió, chông chênh chao đảo kiếp đàn bà lẻ loi... (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
O một mình qua đường, đi qua sóng gió, chông chênh chao đảo kiếp đàn bà lẻ loi... (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Về thăm quê cũ, thấy trẻ con người lớn trong nhà, lam lũ đói ăn khát uống như súc vật bị bỏ quên, o thương trào nước mắt, tha đứa cháu gái con người anh trai tàn phế vì chiến tranh ra Hà Nội nuôi, nhận làm con. Con bé càng lớn càng ương ngạch cá tính. Nó giống o như đúc nhưng tính cách thì một trời một vực. Nó đổi giọng, xóa đi nguồn gốc khốn khổ của mình. Không ai biết nó được chui ra từ đồng đất cằn khô sỏi đá miền Trung. Ngay từ khi ở với o, nhỏ xíu, nó đã nhất định ko chịu gọi o là mẹ, dù o cháy lòng tha thiết. Chỉ cần nó gọi o bằng mẹ thôi, là bao nhiêu tội lỗi của nó, hờn giận của nó, bay biến ngay tức thì.

Con bé xinh đẹp,học giỏi nhưng kiêu kỳ và lười biếng. Nó ko hề đụng bất cứ vào việc gì trong nhà, mọi thứ đổ tất lên đầu o. O chiều nó, coi như nó như khúc ruột mình đứt ruột đẻ ra nên tha thứ hết lỗi lầm của nó. Nhiều khi giận nó, muốn chết, muốn quẳng nó về lại đồng quê, nhưng đêm nằm lại nghĩ, thôi nó trẻ con ko chấp, mai này lớn lên, chắc biết.

Rồi nó lớn lên thật. Nhoằng cái đã mấy chục năm. Nó học mấy trường đại học, mình o lo tất, ra trường đi làm rồi lấy chồng Tây. O sợ mất nó, gàn ko được. Nó gằn hắt giận dỗi o, mấy ngày không thèm nói với o 1 câu. Hôm nó đi, o không tiễn nó, vì sợ mình không đủ can đảm. Con bé vùng vằng, mặt hằm hằm, đỏ căng. Nó đi như chạy trốn. Lúc nó đi rồi, o mới òa khóc nức nở, sụp xuống như thân cây bị phạt ngang thân. Tại o cứ linh cảm sẽ ko bao giờ gặp lại nó nữa. Mất nó, thật rồi! Mà o mất nó thật! Nó đi, mình o sống cứ héo hắt vì thương nhớ quê nhà. Tại cũng đến lúc tuổi già, chắc nên quy cố nhân.

O bán nhà, mang tiền về quê chia đều cho con cháu trong nhà. Từ trời Tây, con bé biết chuyện alo, mắng o không ra gì, nào là không thương nó, không chia phần cho nó. O buông máy đứng như hóa đá, ngần ấy năm tháng nuôi nó chưa đủ sao? Bên trời Tây nó thiếu thốn cỡ nào mà còn tranh giành kèn cựa với mấy đứa lem luốc bên này. Con bé, thế mà tham.

Sau hôm ấy, o ốm, nằm liệt giường mấy hôm. Vợ thằng cháu trai mang con lại cho o khuây khỏa. O gượng dậy, ôm đứa bé, hát ru nó, đứt ruột gan, thổn thức nỗi lòng. Tại o nhớ những ngày xưa đã từng như thế này với con bé bạc bẽo giờ đã quá xa xôi, không bao giờ thấy lại nữa. O gọi đứa bé là con, y như gọi nó. Tiếng gọi tha thiết,ruột gan lắm!

O mất vào một buổi sáng mùa thu. Nhẹ nhàng như chiếc lá đến thời khắc rụng rơi. Đám ma o, đông lắm! Cả làng đưa tiễn o về với đất, khép lại một phận số không một ngày bình yên. Người ta rơi nước mắt vì tấm lòng tham thảo nhân đức hiền từ của o. Mộ o, hoa trắng nở bạt ngàn.Trẻ con chăn trâu không đứa nào dám quậy phá trên ngôi mộ đó. Chúng bảo mộ o Bình Yên đấy, đừng đụng vào, o là ma trinh nữ, thiêng lắm!

Mà kể cũng lạ, người ta bảo đi qua ngôi mộ của o,tự nhiên lòng thấy rất bình yên. Đi qua những người hiền lành tử tế như đi qua một vùng đất an lành, bao giờ họ cũng mang lại cảm giác yên lành thảnh thơi nhẹ nhõm cho con người. Và ngược lại,những người tâm ác, sống ác, dữ dằn, độc địa như đất dữ, như vùng trời bão giông đầy hiểm nguy, khiến người ta bất an lo lắng như có tai hoa lơ lửng trên đầu và bất trắc quanh đây.

Phải đến hơn 10 năm sau, cái con bé ngày nào, giờ đã thành thiếu phụ đài trang mới lại cắm nén nhang thơm trên mô o. Trải qua bao đớn đau cơ cực, chị mới thấu hiểu và thông cảm những nỗi đau mà o gắng chịu trong suốt cả một kiếp người. 40 tuổi,chị nhận ra lỗi lầm của mình và thấy mình trẻ con ghê gớm. Nước mắt lăn dài, chị khẽ gọi o là mẹ, và cầu xin được tha thứ lỗi lầm!

Khói nhang, một làn mỏng manh xanh bay đi. Biết đâu đấy là linh hồn của o. Biết đâu o đã đợi chờ cái giây phút này trong suốt ngần ấy năm đằng đẵng, đợi chờ cái câu xin lỗi của đứa con gái vô tâm vô tình, linh hồn mới siêu thoát và nhẹ nhàng hóa giải bay đi sau những thứ tha lỗi lầm. Chỉ còn lại những bông hoa dại trắng muốt là cứ nở mê man mãi dưới cái nắng miền Trung cháy da cháy thịt mà thôi!

Kao Nguyên

Kể cho con một sáng thứ Sáu trên xe bus

Kể cho con một sáng thứ Sáu trên xe bus

Mẹ cũng mong sao các con mẹ sau này cũng sẽ có thế giới của mình, bầu trời của mình, tình yêu và hạnh phúc của riêng mình.