Phân Loại để giải cứu điểm nghẽn căn hộ có thật sự đến nơi đến chốn

 Rất nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM bị treo sổ hồng trong khoảng thời gian dài, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện, gây hoang mang cho người dân và làm mất an ninh trật tự.

Theo chia sẻ của giám đốc một doanh nghiệp địa ốc và được nhiều đại diện doanh nghiệp khác đồng tình, ngoài lý do chậm cấp sổ hồng liên quan đến tính tiền sử dụng đất thì có nguyên nhân quan trọng là hiện nay, một số chuyên viên thụ lý hồ sơ của các sở, ngành tại TP.HCM rất e ngại trong việc xử lý hồ sơ của doanh nghiệp liên quan đến đất đai.

“Từ năm 2004, các thủ tục về xác định tiền sử dụng đất vẫn được thực hiện theo quy trình đó, dù chưa có thông báo hướng dẫn của Thành phố. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, hầu như các thủ tục bị dừng lại toàn bộ, mà ngay cả chuyên viên của các sở, ngành này cũng không giải thích rõ được lý do”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Thông qua phương án xác định diện tích đất ở đối với nhà chung cư của các cơ quan liên quan tại TP.HCM cho thấy nhiều vấn đề. Đây là những vấn đề cơ bản, nhưng chính cơ quan nhà nước không nắm được các nguyên tắc chính nên mới xảy ra việc này. Trong khi đó, nếu tính từ khi Luật Nhà ở 2005 đầu tiên ban hành đến nay đã hơn 15 năm, đã phê duyệt và cấp phép xây dựng, cấp sổ cho hàng ngàn căn hộ nhà chung cư, nhưng nay mới lộ rõ lỗ hổng nhận thức về cơ cấu đất xây dựng nhà chung cư.

Trước những bức xúc của doanh nghiệp và cư dân liên quan đến sổ hồng, mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi làm việc và nghe báo cáo về kiến nghị giải quyết liên quan việc xác định diện tích đất ở, cấp sổ hồng, trách nhiệm quản lý công trình công cộng tại các dự án nhà ở chung cư trên địa bàn Thành phố với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, UBND 24 quận, huyện…

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, ông Hoan kết luận, đối với các dự án xây dựng chung cư trên địa bàn Thành phố, có thể chia thành 2 loại để đề xuất phương án giải quyết.

Trong đó, loại 1 là các dự án chung cư có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín như bồn hoa, mảng xanh, hồ bơi, đường nội bộ…, toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở để thu tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) theo quy định.

Loại 2 là các dự án lớn có nhiều hạng mục, ngoài diện tích đất xây dựng công trình chung cư còn có các công trình, tiện ích như khu thương mại, khu thể dục thể thao, công viên, trường học, bệnh viện, các trục đường chính kết nối với đường giao thông công cộng bên ngoài chung cư... Với loại này, diện tích đất xây dựng chung cư để thu tiền sử dụng đất và cấp sổ hồng được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch và có thể chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1 là nhóm đất xây dựng nhà ở (đất xây dựng chung cư), phải thu tiền sử dụng đất 100% diện tích phân bổ đất ở (bao gồm diện tích đã trừ mật độ xây dựng), cấp sổ hồng cho chủ đầu tư đủ diện tích đã đóng tiền sử dụng đất ở và Nhà nước không quản lý diện tích này.

Nhóm 2 là nhóm đất xây dựng công trình công cộng (công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, thể dục thể thao), Nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có giải pháp cho thuê (khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định).

Nhóm 3 là nhóm đất xây dựng công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, viễn thông...), chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hoàn thành để bàn giao cho Nhà nước quản lý và đối với phần diện tích này sẽ không thu tiền sử dụng đất và không cấp sổ hồng.

Trước đây, khâu tính tiền sử dụng đất do Sở Tài chính phụ trách, nhưng khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được giao lập kế hoạch định giá đất và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất. Tuy nhiên, có điều lạ là trong khi các dự án bất động sản thực hiện ngoài TP.HCM trung bình chỉ mất 3 - 4 tháng đã có kết quả thẩm định và phương án tính tiền sử dụng đất, thì tại địa bàn này, hầu hết hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết xong hoặc bị chuyển lòng vòng, yêu cầu bổ sung nhiều lần.

Là doanh nghiệp có đến 11 dự án bất động sản đang gặp khó trong khâu tính tiền sử dụng đất, Tập đoàn Novaland và các công ty thành viên cũng nhiều lần gửi văn bản tới UBND TP.HCM và các sở, ngành đề nghị được xem xét hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý còn tồn đọng, nhưng nhiều dự án đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài Novaland và Hưng Thịnh, còn có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án địa ốc khác trên địa bàn Thành phố “khóc dở, mếu dở” vì vướng thủ tục cấp sổ hồng nhưng không dám công khai giãi bày. Theo dữ liệu được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) công bố mới đây, trên địa bàn TP.HCM hiện có ít nhất 27.709 căn nhà thuộc 63 dự án bị treo sổ hồng và 88,4% số này có chủ đầu tư là các doanh nghiệp top đầu thành phố.

Nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP.HCM than thở, vì tắc chuyện đóng tiền sử dụng đất để làm sổ hồng cho khách hàng, đẩy họ vào tình thế “bội tín” bất đắc dĩ.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)