Phát hiện bất ngờ mức độ ô nhiễm không khí trong nhà từ sản phẩm tạo hương

Mức độ ô nhiễm từ sáp thơm được đánh giá tương đương với lượng khí thải từ xe hơi.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Purdue (Mỹ) đã cho thấy việc sử dụng các sản phẩm có hương thơm trong nhà làm thay đổi thành phần hóa học trong không khí, gây ra mức độ ô nhiễm tương đương với lượng khí thải từ xe hơi bên ngoài.

Khi nhắc đến ô nhiễm không khí, hầu hết mọi người thường nghĩ ngay đến khí thải công nghiệp hay từ xe cộ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này đã cho thấy rằng ngay chính trong không gian sống của chúng ta, việc sử dụng các sản phẩm tạo hương như nến thơm, tinh dầu, xịt phòng, chất tẩy rửa… có thể giải phóng các hạt nano siêu nhỏ xâm nhập sâu vào hệ hô hấp gây ra những nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe con người.

Phát hiện bất ngờ mức độ ô nhiễm không khí trong nhà từ sản phẩm tạo hương

Theo bà Nusrat Jung, phó giáo sư tại Trường Kỹ thuật Xây dựng và Dân dụng Lyles của Purdue và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, “Việc sử dụng các sản phẩm tẩy rửa và trị liệu bằng hương thơm chứa hương liệu tổng hợp để tạo ra không gian dễ chịu trong nhà thực chất lại đang gây ra mức độ ô nhiễm không khí rất lớn mà bạn không nên hít vào”.

Sáp thơm thường được quảng cáo là giải pháp an toàn hơn so với nến truyền thống do không có lửa, khói hay độc tố. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Purdue đã tiến hành đo lường lượng hạt nano được hình thành khi làm nóng sáp thơm trong một ngôi nhà thử nghiệm có hệ thống thông gió cơ học.

Sáp thơm chứa một lượng dầu thơm nồng độ cao. Khi được làm nóng, terpen – hợp chất hóa học tạo mùi hương – sẽ được giải phóng, phản ứng với ozon trong không khí kích hoạt sự hình thành các hạt nano mới.

Theo kết quả nghiên cứu, nồng độ hạt nano trong không khí khi làm nóng sáp thơm lên đến hơn một triệu hạt trên một centimet khối, ngang bằng với mức phát thải từ nến đốt truyền thống, bếp gas hay thậm chí là động cơ diesel.

Nồng độ các hạt nano được hình thành từ sáp thơm so với các nguồn khác
Nồng độ các hạt nano được hình thành từ sáp thơm so với các nguồn khác

Nghiên cứu cũng đo lường tỷ lệ hạt nano lắng đọng trong đường hô hấp, ghi nhận rằng trung bình có khoảng 483 triệu hạt được hít vào mỗi giây, tức là chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút tiếp xúc với các sản phẩm có hương thơm, từ 100 tỷ đến 10 nghìn tỷ hạt nano có thể lắng đọng trong hệ hô hấp. Đặc biệt, các hạt nano này có kích thước siêu nhỏ, dễ dàng xâm nhập sâu vào phổi, thậm chí có thể đi vào máu và ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng như não nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

“Các sản phẩm có hương thơm không chỉ đơn thuần mang lại mùi dễ chịu mà còn chủ động thay đổi thành phần không khí trong nhà. Do đó, chúng ta cần cân nhắc sử dụng chúng một cách thông minh để bảo vệ sức khỏe”, bà Jung nhấn mạnh.

Mặc dù cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu về tác động của terpen đối với sức khỏe con người, các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế sử dụng sản phẩm có hương thơm nhân tạo, cần ở trong môi trường thông thoáng tự nhiên để giảm thiểu tác động tiêu cực. Việc sử dụng cây xanh, máy lọc không khí hoặc đơn giản là mở cửa sổ để lưu thông không khí có thể giúp giảm thiểu tác động của các hạt nano độc hại.

Minh Nguyễn (Theo New Atlas)

Tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể gây suy giảm nhận thức

Tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể gây suy giảm nhận thức

Chỉ vài giờ hít thở không khí ô nhiễm cũng có thể làm suy yếu sự tập trung và làm giảm khả năng chú ý có chọn lọc.