Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 745/TTg-CN ngày 15/8/2023 và Công điện số 782/CĐ-TTg ngày 4/9/2023.
Bộ Công Thương phải kịp thời báo cáo Thủ tướng những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện và những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch xả nước đổ ải từ các hồ chứa thủy điện lớn phục vụ cấp nước vụ đông xuân năm 2024 và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước xả đổ ải theo hướng sử dụng tiết kiệm tối đa và hiệu quả nguồn nước; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 11/2023.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến việc điều tiết, vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện trong các quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, tối ưu hóa lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại, đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện có hiệu quả công tác tiết kiệm điện tại địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng các dự án nguồn và lưới điện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách nhằm đảm bảo cung ứng điện; phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan để chỉ đạo triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các dự án điện trên địa bàn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và chủ đầu tư các nhà máy điện có trách nhiệm chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị sản xuất điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 theo kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo VTC News.
Thủ tướng nhấn mạnh, tuyệt đối không được để thiếu than, thiếu khí cho sản xuất điện do các yếu tố chủ quan; tập trung khắc phục nhanh các sự cố nhà máy điện, lưới điện (nếu có); tổ chức thực hiện đầu tư các dự án điện được giao làm chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách.
Theo báo cáo số 146/BC-BCT ngày 5/9/2023 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ, tính toán cập nhật tại Công văn số 4986/EVN-KH cho thấy, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (9-12) của năm 2023 ước đạt 95,6 - 97,2 tỷ kWh, tăng trưởng 9,9 - 11,8% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế cả năm 2023 ước đạt 281,9 - 283,6 tỷ kWh, tăng 5,1 - 5,7% so với năm 2022, đạt 99,1 - 99,6% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Về cân đối điện năng, nhìn chung, với việc đảm bảo cung ứng than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục, mực nước hồ chứa thủy điện được cải thiện, có thể nhận định công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, do các tổ máy nhiệt điện miền Bắc phải thực hiện bảo dưỡng sửa chữa theo kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng cho phát điện mùa khô năm 2024, công suất dự phòng miền Bắc ở mức thấp tại một số thời điểm trong các tháng cuối năm 2023.
Để chủ động ứng phó những điều kiện xếp chồng bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong thời gian những tháng cuối năm 2023 như nhu cầu phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về hồ tiếp tục thấp v.v…, Bộ Công Thương cho rằng phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác.
Đối với năm 2024, theo tính toán cập nhật của EVN, việc cân đối cung - cầu điện được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở 8,96%, 2 kịch bản lưu lượng nước về: bình thường (tần suất nước về 65%) và cực đoan (tần suất nước về 90%). Trong đó, cập nhật tiến độ các nguồn điện mới (Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào,…)
Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng. Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm tháng 6, tháng 7, theo Tạp chí Công Thương.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp về vận hành, đầu tư xây dựng, tiết kiệm điện nhằm đảm bảo cung ứng điện trong các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
(Tổng hợp)