Theo báo Người Lao Động, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo cập nhật tình hình KTXH 5 tháng và giải trình một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.
Báo cáo cho biết kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua.
Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, đàn gia cầm tăng 7,1%, sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 đạt 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.
Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%; thu hút khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người, tăng 8,8%.
Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 9 tỉ USD, tăng 27,1%; vốn thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8%. Xuất khẩu đạt trên 100 tỉ USD, tăng 6,7%. Có gần 54 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp, 29,6% về vốn đăng ký và gần 20 ngàn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một lần giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu - Ảnh: Quochoi.vn |
Bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông
Về bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định chúng ta có đầy đủ chứng cứ lịch sử, đảm bảo cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ quyền lợi của chúng ta. Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước ở Biển Đông. Việc giải quyết tranh chấp phải bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, thay đổi nguyên trạng...
Thời gian qua, các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên các vùng biển vẫn được thực hiện, các lực lượng chức năng tiếp tục bảo vệ hoạt động kinh tế và ngư dân đánh bắt hợp pháp trên các vùng biển. Chúng ta kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam bằng biện pháp ngoại giao, biện pháp cần thiết khác.
Tác động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam
ĐB Nguyễn Anh Trí nêu chất vấn về hành động của Việt Nam khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang vào hồi quyết liệt.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là mối quan tâm của cả thế giới, dự báo nếu chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,2%.
Về lâu dài, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới Việt Nam. Trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại này sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu, nhưng dài hạn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng xuất khẩu. Theo tính toán, GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỉ đồng trong 5 năm tới do tác động từ chiến tranh thương mại.
Hiện đang xuất hiện xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do đó chính sách thu hút đầu tư cần có chọn lọc hơn, ưu tiên, đảm bảo công nghệ hiện đại, môi trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cảnh giác việc hàng hoá thông qua Việt Nam, rồi xuất khẩu sang các nước để né thuế.
Chính phủ đã lên kịch bản ngay từ khi cuộc chiến này bắt đầu nổ ra trong năm 2018 với các giải pháp như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư...
Việt Nam không thao túng tiền tệ
Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Hoàng Quang Hàm chất vấn về giải pháp của Chính phủ trước việc Việt Nam bị đưa vào danh sách cần giám sát của Bộ Tài chính Mỹ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết ngày 29/5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại báo cáo này Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách 9 nước cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.
Ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này, gồm thăng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP.
Việt Nam thoả mãn 2 tiêu chí là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai; còn can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.
Thống đốc khẳng định báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có quốc gia nào trong danh sách 9 nước trên thao túng tiền tệ. Về phía Việt Nam đã cung cấp thông tin và khẳng định quan điểm nhất quán điều hành của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Việt Nam không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo lợi thế thương mại không cân bằng.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khuyến nghị chính sách và những khuyến nghị này tương đồng với khuyến nghị mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra, và cũng nằm trong lộ trình chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành. Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thêm thông tin cần thiết với phía Mỹ về vấn đề này.
Có biện pháp với hàng nước ngoài "đội lốt" hàng Việt
Về quản lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp trong nước, thừa nhận tồn tại thực trạng này, Phó Thủ tướng cho biết vừa qua các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc.
Nêu các nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho biết thời gian tới sẽ tăng cường kiểm soát biên giới, không để hàng hóa thẩm lậu, nhập lậu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi pham; tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân không tiếp tay cho các vi phạm...
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng Đề án chống gia lận xuất xứ, đánh giá toàn diện và đề xuất cho Chính phủ các giải pháp; xây dựng nghị định thay thế nghị định 185/2013, trong đó tăng nặng mức hình thức, mức xử phạt mang tính răn đe với hành vi lợi dụng hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác.
CPTPP bắt đầu phát huy tác dụng
Trả lời chất vấn của đại biểu về tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đến nay, 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP.
Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi bổ sung 8 luật có liên quan thực hiện cam kết Hiệp định, 4 nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương và an toàn kỹ thuật.
Đến nay, qua 4-5 tháng việc thực hiện CPTPP, thương mại của chúng ta với một số nước là thành viên của CPTPP tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái… Doanh nghiệp của chúng ta cần tận dụng cơ hội CPTPP để thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Về một số vướng mắc, Phó Thủ tướng nêu rõ, FTA thế hệ mới này có các tiêu chuẩn cao, quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa. Ngay cả lĩnh vực Việt Nam có nhiều thế mạnh là dệt may, để tận dụng lợi ích về thuế (giảm về không hoặc thấp) thì chúng ta phải bảo đảm hàng hóa được xuất xứ. Đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp của chúng ta.
Hai là, chúng ta cũng phải đối phó với hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ để hưởng các ưu đãi của các FTA, trong đó có CPTPP.
Ba là, tranh chấp về đầu tư trong các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép doanh nghiệp đầu tư khởi kiện Chính phủ.
Phó Thủ tướng lưu ý doanh nghiệp cần hiểu rõ những thuận lợi và thách thức trong thực hiện các hiệp định, đặc biệt là thực thi các cam kết của CPTPP. CPTPP có hiệu lực ngay, gần 66 mặt hàng của Việt Nam thuế giảm xuống còn 0%… đây cũng là thách thức khi hàng hóa nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Do đó, đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết.
Nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm
Nhìn nhận tình hình giải ngân dự án dùng vốn ODA chậm, năm 2018 mới đạt 63,2%; 5 tháng đầu năm 2019 có tăng, song vẫn chậm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, chỉ ra nguyên nhân là do các Bộ, ngành, địa phương không đảm bảo bố trí vốn đối ứng trong các dự án dùng vốn ODA.
Ngoài ra, tại một số dự án, nhất là trong lĩnh vực giao thông, việc lập kế hoạch chưa sát thực tế. Bên cạnh đó là nguyên nhân năng lực ban quản lý dự án, chủ đầu tư thấp, chưa đáp ứng trong triển khai thực tế; giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài; biến động tỷ giá...
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa