Phụ huynh Hà Nội đưa ra quyết định đặc biệt từ khi con học cấp 1, cấp 2: Đi lối khác để đường vào cấp 3 của con "dễ thở"

"Thay vì áp lực quá mức, tôi quyết định chọn hướng đi "dễ thở" hơn cho con", anh Đức cho hay.

"Bỏ phố về làng"

Anh Hải Long (quận Hà Đông, Hà Nội) có con trai đang học lớp 4 một trường công lập. Cháu Việt, con anh có học lực khá tốt nên gia đình muốn định hướng cho con học THPT chuyên sau này. Tuy nhiên nhìn cuộc đua vào lớp 10 cả trường chuyên và trường không chuyên những năm gần đây ở Hà Nội, anh sợ con mình không cạnh tranh nổi. 

Tuy chưa từng học trường chuyên nhưng có nhiều bạn bè, đồng nghiệp từng học môi trường này, lại thường xuyên theo dõi các hội nhóm phụ huynh nên anh Long rất thích và muốn cho con theo học. Theo anh: "Thứ nhất, học trường chuyên, con sẽ được tiếp xúc với những bạn giỏi đồng đều, có môi trường học tập, thi đua tốt. Thứ hai, các thầy cô trường chuyên đều dạy giỏi. 

Thứ ba, học trường chuyên thì có nhiều hoạt động hơn, nếu con muốn đi du học thì các hoạt động sẽ làm đẹp hồ sơ. Thứ tư, trường chuyên thường có nhiều bạn đã đi du học bằng cách xin được học bổng toàn phần, con sẽ học hỏi được kinh nghiệm từ các anh chị khoá trên". 

Sau nhiều lần suy tính, hai vợ chồng anh Long bàn với nhau, năm sau chuyển con về quê ngoại ở Nam Định học. "Tôi định hướng cho con học trường cấp 2 Trần Đăng Ninh hoặc Phùng Chí Kiên, sau đó thi chuyên Lê Hồng Phong. So với thi chuyên ở Hà Nội thì thi chuyên ở Nam Định tỷ lệ chọi sẽ đỡ căng thẳng hơn. Trong trường hợp con không đỗ chuyên thì các trường THPT không chuyên ở thành phố như trường Nguyễn Khuyến, Trần Hưng Đạo, hoặc trường dưới huyện như Hải Hậu A,... đều có chất lượng tốt".

THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định
THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định

Không định hướng cho con học chuyên nhưng vợ chồng anh Minh Đức (quận Cầu Giấy) cũng đã quyết định sang năm chuyển con gái về quê nội ở Ninh Bình học tiếp lớp 7. "Các trường công cấp 3 ở Hà Nội còn ít, tỷ lệ cạnh tranh cao, năm nào thi cũng căng thẳng. Có cháu vì để học công lập, phải chọn trường cách nhà cả chục cây số. Thay vì áp lực quá mức, tôi quyết định chọn hướng đi "dễ thở" hơn cho con. Ở nhà có ông bà nội đều từng là giáo viên nên có thể kèm cặp con học tập".

Anh Đức cho hay, bản thân anh là một học sinh trường làng và đã thi đỗ Bách khoa. Bạn học của anh cũng nhiều người đỗ các trường top đầu, có người trúng học bổng du học, hiện đã định cư ở nước ngoài. Theo anh chất lượng học tập của trường làng cũng không hề kém cạnh gì trường phố. Thậm chí hàng năm, nhiều thủ khoa tốt nghiệp THPT đến từ các trường làng. 

Suy nghĩ cho con về quê học xuất phát từ chuyện công việc của hai vợ chồng anh Đức đều bận rộn, phải đi công tác nhiều. Thay vì đón ông bà lên trông nom con giúp những lúc cả hai vắng nhà thì anh quyết định cho con về quê học. Con vừa có người bảo ban những lúc bố mẹ đi vắng, vừa đỡ khoản áp lực lớp 10. 

Năm nay, khoảng 23.000 học sinh Hà Nội không thi lớp 10

Theo báo cáo của Sở về công tác tuyển sinh đầu cấp, năm nay khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9. Trong đó, hơn 110.000 em đăng ký thi vào lớp 10 công lập. Như vậy, khoảng 23.000 học sinh tốt nghiệp THCS không dự kỳ thi lớp 10 công lập năm nay.

Số thí sinh dự kiến không tham gia kỳ thi tương tự năm ngoái, trong khi số học sinh tốt nghiệp và đăng ký thi tăng khoảng 4.000-6.000. Sở cho hay 127 trường THPT công lập (gồm cả trường chuyên, trường tự chủ) sẽ tuyển 81.000 em, tương đương 61% tổng số học sinh tốt nghiệp. Tỷ lệ này như mọi năm, song chỉ tiêu ở hầu hết quận nội thành giảm, có thể khiến sự cạnh tranh ở khu vực này tăng lên.

Các trường tư thục đáp ứng khoảng 30.000 chỗ. Ngoài ra, học sinh có thể theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Sở khẳng định thi vào lớp 10 công lập là quyền lợi của thí sinh, yêu cầu các trường không vận động học sinh bỏ thi. Nếu phát hiện, Sở sẽ xử lý nghiêm.

Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá căng thẳng hơn thi đại học (Ảnh minh họa)
Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá căng thẳng hơn thi đại học (Ảnh minh họa)

Năm nay, kỳ thi lớp 10 công lập ở Hà Nội diễn ra vào ngày 8-9/6, thí sinh thi trường chuyên và hệ song bằng sẽ thi thêm ngày 10 và 11/6. Từ nhiều năm nay, kỳ thi lớp 10 công lập ở Hà Nội được đánh giá căng thẳng hơn kỳ thi đại học.

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội luôn căng thẳng là do chỉ tiêu của học sinh vào lớp 10 đầu cấp được rải đều cho cả thành phố. Hà Nội không thiếu chỗ học nhưng thành phố đang thừa thiếu trường lớp cục bộ, thừa ở ngoại thành và thiếu ở nội thành. Để giải quyết bài toán thiếu trường lớp trong thời gian tới, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đơn vị này có kế hoạch xây mới, thành lập mới trường học giai đoạn 2021 - 2025.

Thanh Hương

TP Hồ Chí Minh: Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập giảm, học sinh lo lắng

TP Hồ Chí Minh: Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập giảm, học sinh lo lắng

Thông tin năm học 2024-2025 Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 72% so với tổng số học sinh đang học lớp 9 được vào lớp 10 công lập khiến nhiều phụ huynh, học sinh học lớp 9 lo lắng.