Phụ huynh nói: Gia đình tôi như "ngồi trên đống lửa", chỉ mong Sở GD-ĐT Hà Nội điều chỉnh 1 chính sách giống TP.HCM!

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội đang có chung 1 nguyện vọng.

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố tỷ lệ chọi vào lớp 10 năm học 2025, nhiều phụ huynh rơi vào trạng thái hoang mang vì lựa chọn nguyện vọng “vừa sức” cho con bỗng dưng trở thành… quá sức.

Tưởng trường vùng ven dễ thở, ai ngờ là “điểm nóng”

Chị Lê Thảo, sống tại quận Hoàng Mai, có con gái đang chuẩn bị thi vào lớp 10 công lập. Gia đình chị không đặt mục tiêu trường chuyên hay trường top, chỉ mong con vào được một ngôi trường vừa sức. Sau khi cân nhắc nhiều phương án, chị quyết định hướng con đăng ký nguyện vọng 1 vào THPT Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì, cùng KVTS với quận Hoàng Mai), thay vì các trường ở Hoàng Mai như Hoàng Văn Thụ hay Trương Định – nơi điểm chuẩn thường cao ngất ngưởng, khoảng 37 đến 39 điểm.

“Năm ngoái, điểm chuẩn của THPT Ngô Thì Nhậm chỉ 34,25 điểm, tỷ lệ chọi là 1.32. Tôi nghĩ trường ở vùng ven, ít người đăng ký hơn, con mình có cơ hội cao hơn”, chị Thảo chia sẻ.

Thế nhưng, theo dữ liệu mới nhất, năm nay tỷ lệ chọi vào THPT Ngô Thì Nhậm tăng vọt lên 1.94 – mức cao nhất toàn thành phố. Trường “vừa sức” giờ đã thành “tâm điểm cạnh tranh”. Gia đình chị không thể đổi nguyện vọng, và con chị – một học sinh học lực khá – đứng trước nguy cơ trượt vì chọn sai “kèo”.

“Giá như Hà Nội cho phép điều chỉnh nguyện vọng sau khi công bố tỷ lệ chọi, như TP.HCM đang làm, thì con tôi đã có thể chọn lại một trường phù hợp hơn”, chị nói trong lo lắng.

Ngô Thì Nhậm đứng số 1 trong top 5 trường có tỷ lệ chọi tăng nhiều nhất năm nay.
Ngô Thì Nhậm đứng số 1 trong top 5 trường có tỷ lệ chọi tăng nhiều nhất năm nay.

Giống như chị Thảo, gia đình chị Mai (quận Hà Đông) cũng đang sống trong tình trạng "mất ăn mất ngủ". Gia đình chị Thảo thuộc diện khó khăn, thu nhập không ổn định, chỉ có điều kiện học trường công. Con trai chị thì lực học yếu, trong các lần thi thử, điểm chỉ quanh mức 5–6 điểm mỗi môn. 

Khi nhìn vào điểm chuẩn các trường công lập tại Hà Đông như Lê Quý Đôn – Hà Đông, Phan Đình Phùng, hoặc Quang Trung, chị Mai biết rằng “cửa vào gần như bằng không”. Sau nhiều đêm cân nhắc, nhìn điểm chuẩn các trường 2 huyện Chương Mỹ, Thanh Oai cùng KVTS 10, chị quyết định cho con đăng ký nguyện vọng vào THPT Nguyễn Văn Trỗi (Chương Mỹ) – một trường ở xa hơn, nhưng năm ngoái điểm thấp hơn và tỷ lệ chọi không quá cao.

“Chúng tôi nghĩ xa một chút cũng được, miễn là đỗ trường công để đỡ gánh học phí. Nhưng khi Sở công bố tỷ lệ chọi, tôi thực sự sốc”, chị Mai nghẹn ngào. Năm nay, tỷ lệ chọi vào THPT Nguyễn Văn Trỗi tăng lên 1.38, cao hơn hẳn so với 1.33 của năm ngoái. Với lực học yếu, cơ hội đỗ của con chị càng mong manh hơn bao giờ hết.

"Mấy hôm nay tôi cứ khóc mãi vì lo cho con, người ngợm cứ như ngồi trên đống lửa. Giờ chỉ mong con cố gắng học tập, bứt phá được trong giai đoạn cuối", chị Mai tâm sự.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

TP.HCM cho điều chỉnh nguyện vọng – tại sao Hà Nội không?

So với Hà Nội, TP.HCM có một khác biệt lớn trong chính sách tuyển sinh lớp 10. Tại TP.HCM, sau khi công bố tỷ lệ chọi, học sinh có 5 ngày (từ 17h ngày 15/5 đến 17h ngày 19/5) để thay đổi nguyện vọng. Mục tiêu là giúp thí sinh có thêm cơ hội vào lớp 10 công lập, thay vì bị “mắc kẹt” với lựa chọn ban đầu trong điều kiện thiếu thông tin.

Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM từng chia sẻ rằng: Quy định này nhằm giúp thí sinh tăng cơ hội vào lớp 10 công lập. Bởi trong lần đầu, học sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhưng chưa biết tổng số nguyện vọng vào trường ấy là bao nhiêu. 

Ví dụ, một trường có chỉ tiêu tuyển sinh 500 em nhưng thống kê có tới 1.000 nguyện vọng 1, nếu giữ nguyên như vậy chắc chắn có khoảng 500 em sẽ trượt. Nhưng nếu cho điều chỉnh, các em có thể thay đổi nguyện vọng 1 vào một trường khác có số lượng nguyện vọng/chỉ tiêu ít hơn, khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn. Điều này không ảnh hưởng gì tới chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm của thành phố.

Trong khi đó, Hà Nội vẫn duy trì quy định không được thay đổi nguyện vọng sau khi biết tỷ lệ chọi, khiến hàng ngàn học sinh rơi vào thế bị động. Trong một kỳ thi mà sự cạnh tranh đã quá khốc liệt, việc “cấm đổi nguyện vọng” chẳng khác nào bắt học sinh phải chơi một ván may rủi với tương lai.

Chị Mai sau khi chứng kiến tỷ lệ chọi của ngôi trường con đăng ký tăng vọt cũng bày tỏ: "Hiện tại, tôi và nhiều học sinh cũng rất mong Hà Nội có thể thay đổi chính sách như TP.HCM. Được vậy thì phụ huynh và học sinh rất mừng. Các con có nhiều cơ hội học tập trường công hơn". 

Một thay đổi nhỏ – nhưng có thể tạo ra công bằng lớn hơn cho học sinh

Nếu mục tiêu của giáo dục là tối ưu hoá cơ hội cho học sinh phù hợp với năng lực thực tế, thì việc cho phép điều chỉnh nguyện vọng sau khi công bố tỷ lệ chọi cần được xem xét nghiêm túc tại Hà Nội. Đó không chỉ là chuyện điểm số, mà là sự công bằng, là quyền được lựa chọn sáng suốt dựa trên thông tin đầy đủ – điều mà mọi học sinh đều xứng đáng có được.

Thanh Hương

Hà Nội sẽ không nhân hệ số 2 với các môn thi Toán, Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Hà Nội sẽ không nhân hệ số 2 với các môn thi Toán, Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Thông tin trên được ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết sáng 23/2.