Quyết tâm lấy bạn trai nghèo khó, vào lễ ăn hỏi nhìn quà cưới nhà trai mang sang, cả nhà tôi ai nấy đều giật mình thảng thốt

Không muốn tạo thêm gánh nặng cho nhà trai, bố tôi quyết định không lấy tiền thách cưới nữa.

Tôi là con gái Hà Nội, kinh tế nhà tôi tuy chỉ ở mức bình thường, nhưng bố mẹ luôn cố gắng làm việc để lo cho tôi có một cuộc sống đầy đủ, ăn học đàng hoàng. Tất nhiên, bố mẹ hi vọng tôi có thể lấy được một người đàn ông giàu có, tốt bụng và đặc biệt là chân thành, yêu thương con gái của họ.

Không phụ lòng của bố mẹ, sau khi ra trường tôi đã sớm được nhận vào làm ở một công ty lớn nhất nhì thành phố với mức lương cao và chế độ đãi ngộ tốt. Là một người có kiến thức, ngoại hình xinh xắn và luôn tận tâm trong công việc, tôi được nhiều đồng nghiệp quý mến.

Một lần tình cờ, tôi gặp gỡ và có nhiều thiện cảm với anh đẹp trai tên Hoàng là trưởng phòng bên cạnh. Sau một thời gian theo đuổi, tôi đã chấp nhận tình cảm và chính thức yêu đương với anh ấy.

Hiện tại chúng tôi yêu nhau được hơn 2 năm và cả hai cùng muốn tiến đến hôn nhân vì tuổi tác cũng không còn nhỏ nữa.

Ngày Hoàng đưa tôi về nhà ra mắt, tôi rất sốc khi thấy bố mẹ anh đang sống trong ngôi nhà nhỏ xíu 2 tầng cũ kỹ, lọt thỏm giữa hai ngôi nhà 5 tầng của hàng xóm. Lúc đó tôi không ngần ngại còn trách anh đi làm lâu thế mà không dành dụm tiền xây cho bố mẹ ngôi nhà đẹp. Anh cười bảo: "Anh cũng từng ngỏ ý đập bỏ nhà cũ, xây nhà mới nhưng bố mẹ nói ngôi nhà có nhiều kỉ niệm đẹp nên muốn giữ lại. Anh tôn trọng mong muốn của bố mẹ nên không dám phá".

Ngoài mặt tôi cười đồng ý nhưng trong lòng tôi lại cho rằng bạn trai chắc làm được đồng nào tiêu hết đồng ấy, không có tiền giúp đỡ bố mẹ nên mới phải nói thế. Dù vậy nhưng tôi vẫn quyết định lấy anh, bởi tôi nghĩ bố mẹ chồng giàu nghèo không quan trọng, vì sau này tôi có sống cùng họ đâu, vợ chồng tự lực cánh sinh vẫn tốt hơn.

Khi nói với bố mẹ rằng tôi muốn kết hôn với Hoàng, bố mẹ đã rất ngạc nhiên. Suy nghĩ một lúc, bố tôi nói sẽ cùng mẹ đến thăm nhà Hoàng rồi mới đưa ra quyết định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày bố mẹ tôi lên chơi, thấy nhà Hoàng cũ kỹ quá, bố tôi chỉ biết thở dài, tới khi về nhà ông mới nói với tôi: "Bố không ưng nhà bạn trai con chút nào nhưng ông bà thông gia nhiệt tình hiếu khách, con rể tương lai cũng biết ăn nói nên mới đồng ý cho con cưới. Nhà chồng nghèo thế, con lấy về sẽ vất vả đấy. Nhưng thôi con đã quyết định lấy cậu ấy thì sau này phải đối xử tốt với bố mẹ chồng. Nghèo không phải tội nhưng con mà bất hiếu, coi thường nhà chồng là mang tội lớn đấy".

Trước đây bố mẹ luôn tự hào nói rằng tôi là người con gái hiền lành, giỏi giang, làm dâu nhà ai họ cũng mát lòng mát dạ. Khó nhọc nuôi tôi khôn lớn nên bố muốn nhà trai phải đặt tiền thách cưới 50 triệu mới gả. Vậy mà khi biết hoàn cảnh nhà bạn trai tôi, bố quyết định không lấy tiền thách cưới nữa.

Lễ ăn hỏi của chúng tôi được tổ chức sau đó chưa đầy một tháng. Có điều khi nhà trai mang sính lễ đến, gia đình tôi không khỏi choáng ngợp khi bác trưởng họ mở tráp cưới ra. Bên trong là một tráp tiền, toàn tờ 500 nghìn. Phía nhà trai nói trong đó có 500 triệu khiến nhà gái ai nấy đều trầm trồ kinh ngạc xen lẫn bối rối, vì không biết phải làm thế nào với số tiền lớn đó.

Cũng may bố tôi nhanh trí xin nhận và nói sẽ để số tiền này cho vợ chồng tôi mua nhà. Thế nhưng, mẹ chồng tôi lại nói: "Tôi đã mua cho các con một căn hộ ở gần nhà. Cưới xong các con sẽ dọn về đó ở luôn cho thoải mái. Còn 500 triệu là tiền vợ chồng tôi cảm ơn ông bà đã nuôi dạy để chúng tôi có người con dâu tốt. Vì thế ông bà không phải nghĩ ngợi gì nhiều, cứ nhận lấy".

Nghe đến đây tôi sững sờ, thì ra bố mẹ chồng không phải nghèo như mọi người vẫn nghĩ. Ông bà quen lối sống tiết kiệm, không thích phô trương sự giàu có của bản thân.

Nhận số tiền lớn như thế. Mẹ tôi bảo dù bà thông gia nói thế nào thì vẫn phải tìm cách trả lại, nếu lấy chỉ lấy vài triệu là được, bởi dù sao cũng là mồ hôi và nước mắt của người ta, không làm mà đòi hưởng thụ là không được. Còn bố tôi cho rằng nhà thông gia có lòng tốt, không nhận họ lại buồn nên bố muốn gửi toàn bộ số tiền đó vào ngân hàng, phòng khi vợ chồng tôi có việc cần đến. Nghe bố nói vậy mẹ tôi cũng bớt nghĩ ngợi mà đồng ý.

Nhật Hạ