Randi Zuckerberg hiện là CEO Zuckerberg Media và là nhà đầu tư kiêm cố vấn của nền tảng gọi vốn cộng đồng Republic. Bà đã thực hiện trên 50 thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Mỹ và trở thành một trong những doanh nhân có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng doanh nhân nữ tại thung lũng Silicon nói riêng và ở Mỹ nói chung.
Chân dung Randi Zuckerberg - người chị gái tài năng của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg |
Những sự kiện quan trọng trong sự nghiệp Randi Zuckerberg
Randi Zuckerberg tên đầy đủ là Randi Jayne Zuckerberg, sinh ngày 28/2/1982. Randi là chị gái của Mark Zuckerberg – đồng sáng lập và CEO Facebook. Bà từng là Giám đốc Marketing của Facebook trong 6 năm và là người tạo ra Facebook Live.
Ban đầu Randi Zuckerberg định theo học khoa âm nhạc nhưng bị từ chối. Năm 1999, Randi Zuckerberg chuyển sang theo học ngành tâm lý học tại Harvard. Randi tốt nghiệp vào năm 2003 và chuyển đến New York và làm trợ lý sản xuất của chương trình 'Forbes on Fox' với mức lương 32.000 USD/ năm.
Hai năm sau, Randi bất ngờ nhận được một cuộc gọi của cậu em trai Mark Zuckerberg – nhà sáng lập và CEO Facebook: “Hey, em đang bắt đầu một ý tưởng và em thật sự cần một ai đó có chuyên môn về tiếp thi số. Chị có thể đến giúp em không?"
“Vì thế tôi đã nói với cậu ấy rằng tôi sẽ dành thời gian 3 ngày để đến Thung lũng Silicon để giúp đỡ và tôi thật sự thích ý tưởng đó. Thật bất ngờ chuyến đi cuối tuần đó lại kéo dài nhiều năm". – Randi chia sẻ trong buổi phỏng vấn của S-World.
Randi đồng ý gia nhập Facebook với vai trò giám đốc marketing. Từ đây, cuộc đời của Randi đã có nhiều chuyển biến lớn.
Mark và Randi chụp ảnh cùng ca sỹ Katy Perry khi trong thời gian làm việc tại Facebook. |
Randi Zuckerberg chia sẻ, chỉ thực sự quan tâm đến đầu tư và làm giàu khi làm việc tại thung lũng Silicon. Bà cảm thấy biết ơn khi được khuyên rằng, sẽ chẳng bao giờ giàu có nếu chỉ trông vào lương và "cần phải đầu tư, cần phải sở hữu doanh nghiệp".
Trong khi nhiều người còn đang bận ủng hộ opera hay múa ballet, Randi Zuckerberg bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới các công ty khởi nghiệp, thích những ý tưởng mới và hiện thực hóa, nhân rộng ý tưởng đó.
Sáu năm sau (năm 2011) Randi rời Facebook do cảm thấy tính cách của mình không phù hợp với văn hóa công ty. Bà trở lại New York và thành lập Zuckerberg Media. Ngoài ra, hiện giờ Randi còn tham gia cố vấn và đầu tư cho Republic - một trong những nền tảng gọi vốn cộng đồng của Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Randi đã đầu tư vào hơn 50 công ty khởi nghiệp và nằm trong ban giám đốc của The Motley Fool và Life360. Bà cũng là một host radio có tầm ảnh hưởng và là tác giả của nhiều cuốn sách, được công nhận với một đề cử Emmy, một giải thưởng Tony và nhiều giải thưởng danh giá khác.
Những kinh nghiệm khi đầu tư
Có một nguyên tắc kỳ lạ mà Randi đặt ra khi lựa chọn đầu tư: chỉ đầu tư vào doanh nghiệp nào có ít nhất một phụ nữ trong ban điều hành. "Đôi khi, nguyên tắc đó cũng đồng nghĩ tôi sẽ có thể mất cơ hội đầu tư tốt, nhưng tôi vui vẻ vì cảm thấy cần thực hiện sứ mệnh của mình. Doanh nghiệp muốn tìm đến tôi, họ tự hiểu cần đa dạng hóa đội ngũ lãnh đạo trước", Randi Zuckerberg chia sẻ.
Từ trải nghiệm cuộc sống, Randi Zuckerberg hiểu rằng, ai cũng muốn được nhìn nhận bằng thành công của chính mình chứ không phải của người đàn ông sống cạnh mình. Do đó, Randi khuyến khích phụ nữ không nên tham gia đầu tư. Bắt đầu từ những khoản đầu tư nhỏ rồi phát triển dần danh mục lên, không nhất thiết phải đợi tới khi thực sự giàu mới học cách đầu tư.
Ngoài ra, bà còn khuyên nhà đầu tư cần phải đa dạng hóa danh mục thay vì chỉ đầu tư vào một cổ phiếu hoặc một doanh nghiệp. "Nếu bạn chỉ đầu tư vào một doanh nghiệp, bạn sẽ không hiểu phải phát triển ý tưởng rộng ra như thế nào, nhưng nếu đầu tư vào vài chục công ty, bạn có nhiều cơ hội thành công hơn", Randi nói.
Bà từng đầu tư vào một công ty đầy triển vọng trong lĩnh vực bán vé cho các sự kiện sử dụng trực tiếp công nghệ blockchain, công ty từng có mức tăng trưởng 100% mỗi tháng. Thế rồi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành sự kiện "điêu đứng" và công ty sụp đổ. Hiện tại, bà đang đầu tư vào hơn 20 doanh nghiệp trong các lĩnh vực. Nếu có thảm họa trong một ngành, danh mục cũng không chịu ảnh hưởng quá nặng nề.
Khi đầu tư, phụ nữ được trải nghiệm nhiều cảm xúc mới, Randi Zuckerberg. |
Khi quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó, Randi Zuckerberg quan tâm nhất đến yếu tố con người và nhìn nhận người đó trong cả hoàn cảnh bình thường và bất thường. "Nếu một đại dịch xảy ra, rồi khủng hoảng đến, người đó sẽ ứng xử như thế nào, người đó sẽ từ bỏ hay xắn tay áo lên để sẵn sàng làm tất cả những gì có nhằm cứu doanh nghiệp". Quá trình phát triển của công ty đó cũng rất quan trọng. Không nên đầu tư vào một doanh nghiệp mà đến tận 5 năm sau đó nó vẫn như vậy trong khi thế giới thay đổi từng ngày.
Khi lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đầu tư, không nên phụ thuộc vào việc lĩnh vực định đầu tư đó có "thời thượng" và có phù hợp với quan điểm số đông hay không. Nhà đầu tư nên thử cả những ngành mới phát triển, những lĩnh vực có sự thống trị của nam giới.
Trong việc gọi vốn đầu tư, Randi khuyên các nữ doanh nhân cần phải chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng để đảm bảo không có sai sót: "Với nhà sáng lập công ty khởi nghiệp là nữ, họ cần phải có một mạng lưới các mối quan hệ xung quanh mình. Tôi nhận ra rằng trong các cuộc gặp mời gọi đầu tư, rất nhiều ý kiến phản bác và phân biệt đối xử với mình. Hãy chắc bạn có nhiều người tư vấn thực sự hiểu công ty và sẵn sàng bù đắp cho bạn những thiếu hụt khi trình bày".
Ngoài ra, bà còn sử dụng bản năng của phụ nữ trong đầu tư. Hai khoản đầu tư thành công nhất của Randi đến nay là hai doanh nghiệp mà chẳng nhà đầu tư nam nào ngó tới. Thậm chí có những người đàn ông biết bà đầu tư vào đó, họ còn cười nhạo vì chê thị trường quá bé, đặc thù dành cho phụ nữ và sản phẩm doanh nghiệp đó không hề thời thượng kiểu như AI hay blockchain...
Randi cho rằng, nhà đầu tư nên bắt đầu ngay hôm nay thay vì chờ đợi thời điểm tốt đến. "Sẽ chẳng có thời khắc nào là hoàn hảo. Người ta thường nói, thời điểm tốt nhất là 20 năm trước đây, tốt thứ hai chính là hiện tại", Randi chia sẻ.
Mark Zuckerberg và con đường thâu tóm quyền lực của Facebook
Mark Zuckerberg quyết định kiểm soát toàn bộ Facebook sau hàng loạt khủng hoảng từ những năm trước.