RCEP có hiệu lực, nước nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất?

Sau hơn một thập kỷ đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/ 1. Vậy trong số 15 quốc gia đặt bút ký vào hiệp định này, nước nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?

RCEP là một thỏa thuận thương mại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Theo số liệu, các nước tham gia Hiệp ước RCEP chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, trị giá 26,2 nghìn tỷ USD và chiếm gần một phần ba dân số thế giới với khoảng 2,2 tỷ người.

60266903_7.png
Hiệp định RCEP sẽ giúp Trung Quốc nâng cao vị thế của mình?

Trong khi Hiệp định thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) chiếm khoảng 28% thương mại thế giới, trong khi Thị trường chung của Liên minh châu Âu đứng thứ 3 với gần 18%.

Thỏa thuận tuy “nông” nhưng lại “rộng”

Trao đổi với truyền thông, nhà kinh tế học Rolf Langhammer cho rằng, RCEP là một thỏa thuận tuy “nông”, nhưng lại là một khá lớn. Nó sẽ mang lại cho châu Á cơ hội bắt kịp với khối thương mại khổng lồ mà các nước EU hiện đang được hưởng".

Theo Hiệp định RCEP, khoảng 90% thuế quan thương mại trong khối sẽ được xóa bỏ. Thương mại liên khu vực - trị giá 2,3 nghìn tỷ USD theo thống kê vào năm 2019 - sẽ nhận được một sự thúc đẩy lớn.

Hiệp định RCEP cũng đặt ra các quy tắc chung về thương mại, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và cạnh tranh trong bối cảnh mà Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ nâng cao vị thế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương như một "trung tâm" của thương mại toàn cầu.

Trong một phân tích gần đây về thỏa thuận này, bộ phận thương mại của Liên Hiệp Quốc cho biết, RCEP sẽ thúc đẩy thương mại giữa các khu vực thêm 42 tỷ USD.

Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP?

Langhammer, cựu phó Chủ tịch của Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết, lợi ích của các thành viên tham gia Hiệp định RCEP sẽ không đồng đều và Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực - sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc.

58976815_303.jpg
Các nước tham gia RCEP chiếm 30% thương mại toàn cầu.

“Thỏa thuận phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, cả về mặt xuất khẩu và nhập khẩu. RCEP sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận với các thị trường xuất khẩu quan trọng như Nhật Bản và Hàn Quốc mà không phải chịu thuế. Đồng thời, Trung Quốc cũng được đảm bảo quyền tiếp cận các thị trường có nguồn cung ứng nhập khẩu [các nước ASEAN] dồi dào, đáp ứng cho chuỗi cung ứng khổng lồ của mình".

Trung Quốc hiện không có thỏa thuận song phương với Nhật Bản và chỉ có một thỏa thuận hạn chế với Hàn Quốc - đối tác thương mại lớn thứ ba và thứ năm của nước này.

Ấn Độ đã quyết định không gia nhập khối thương mại này vào hiai đoạn cuối của các cuộc đàm phán vào năm 2019 do lo ngại rằng nước này sẽ tràn ngập hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Các nước đang phát triển chịu thiệt thòi?

Langhammer cảnh báo rằng, trong khi các nền kinh tế lớn ở châu Á sẽ được hưởng phần lớn lợi nhuận, Hiệp định RCEP có thể khiến các nước nhỏ hơn trong ASEAN gặp bất lợi do thỏa thuận thương mại không bao gồm các ngành công nghiệp chính của họ.

59623719_401.jpg
Các nước nghèo sẽ chịu thiệt thòi khi tham gia RCEP.

Ông nói: “Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc dựa vào gạo hoặc xuất khẩu lao động giá rẻ, nhưng cả dịch vụ và nông nghiệp đều không được đề cập trong thỏa thuận thương mại này.

Các nước kém phát triển nhất ở châu Á - Campuchia, Lào, Myanmar - hiện đang được hưởng lợi từ thương mại giữa các nước ASEAN, có thể bị "xói mòn" bởi thương mại RCEP, Langhammer nói.

Ví dụ, xuất khẩu của các quốc gia nghèo hơn sang Singapore có thể bị Nhật Bản soán ngôi, hiện có cùng quyền tiếp cận thương mại với tất cả các nước ASEAN.

Các nước ASEAN nhỏ hơn cũng có thể mất một số lợi ích từ các chương trình ưu đãi thương mại bởi RCEP quy định hàng của những nước này được ra ngoài ASEAN, bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản miễn thuế.

Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp hơn cũng sẽ có một số lợi ích từ cái gọi là chuyển hướng thương mại – tức dòng chảy thương mại sẽ được chuyển hướng từ các thành viên không thuộc RCEP đến với khu vực này. Liên Hiệp Quốc cho biết, sự chuyển hướng thương mại sẽ được tăng lên khi sự hội nhập giữa RCEP tiến xa hơn trong thập kỷ tới.

Sẽ mất 2 thập kỷ để hoàn thiện RCEP

Theo Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á của tổ chức nghiên cứu Oxford Economics, những thành quả kinh tế đó "sẽ mất nhiều thời gian để trở thành hiện thực" do sẽ phải mất 20 năm để loại bỏ hoàn toàn thuế quan và các hạn chế được đặt ra trong RCEP .

Thương mại trong khu vực hiện phải tuân theo ít nhất năm cái gọi là yêu cầu về quy tắc xuất xứ - tiêu chí để xác định xuất xứ quốc gia của một sản phẩm, theo Kuijs.

Tất cả các bên ký kết có thể được hưởng lợi từ 'các quy tắc xuất xứ chung', ngụ ý rằng các thành viên sẽ chỉ yêu cầu một giấy chứng nhận xuất xứ để giao dịch trong khối.

RCEP thiếu hiệu quả do Hoa Kỳ không tham gia?

Trong phân tích của mình về RCEP, tổ chức tư vấn của Hội đồng Đại Tây Dương cảnh báo rằng, việc Hoa Kỳ không tham gia "cho phép Bắc Kinh củng cố vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực".

Washington đã lên kế hoạch cố gắng kiềm chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bằng cách tham gia một thỏa thuận thương mại được đề xuất khác được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2017.

Các thành viên còn lại của TPP sau đó đã tạo ra một hiệp định thứ bam gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập vào tháng 9/2021. Việc Bắc Kinh trở thành thành viên của CPTPP cũng chưa chắc chắn, nhưng cơ hội của họ sẽ tăng lên nếu nước này tuân thủ các yêu cầu pháp lý trong một thỏa thuận trong một phạm vi hẹp hơn như RCEP.

Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, nếu RCEP thực sự giúp Bắc Kinh ký kết các thỏa thuận thương mại trong tương lai thì "vị trí của Trung Quốc trong bàn đàm phán và sự thiếu vắng của Mỹ sẽ còn gây ra nhiều hậu quả hơn".

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương