Bài viết đăng hôm nay 14/5 cho biết: "Thông qua xét nghiệm tích cực và quy định cách ly tập trung, quốc gia Đông Nam Á này đã giữ số lượng các trường hợp nhiễm COVID-19 chỉ là 288 ca và chưa có trường hợp nào tử vong. Việt Nam đang tích cực cứu mạng sống của người đàn ông 43 tuổi, được xác định là "bệnh nhân 91", người đã mắc COVID-19 tại một quán bar ở TP.HCM vào giữa tháng 3".
Reuters viết: "Hơn 4.000 người có liên quan đến quán bar trên đã được xét nghiệm, trong đó có 18 người dương tính với COVID-19. Trong khi hầu hết đã hồi phục, riêng phi công người Anh vẫn đang phải giành giật sự sống và tình trạng của ông này đã xấu đi đáng kể.
Một nhân viên y tế sau khi phun thuốc khử trùng bên trong máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Reuters. |
Ngày 12/5, Bộ Y tế đã tổ chức một cuộc họp với các chuyên gia từ các bệnh viện hàng đầu và quyết định cách duy nhất để cứu người đàn ông này là ghép phổi. Trường hợp của phi công người Anh tại Việt Nam đã thu hút nhiều sự quan tâm, nơi chính phủ được ủng hộ rộng rãi trong chiến dịch ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Reuters trích dẫn từ báo Tuổi Trẻ cho biết có 10 người, bao gồm cả một cựu chiến binh 70 tuổi, tình nguyện hiến phổi cho bệnh nhân nhưng các bác sĩ từ chối.
"Chúng tôi cảm động vì ý định tốt của các tình nguyện viên, nhưng các quy định hiện hành không cho phép chúng tôi ghép phổi do hầu hết người sống hiến tặng", một đại diện của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia Việt Nam (VNHOT) nói với báo Tuổi Trẻ.
Hiện bệnh nhân chỉ còn 10% phổi còn hoạt động và đã phải phụ thuộc vào ECMO trong hơn 30 ngày vừa qua. Hồi tháng 4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói với truyền thông rằng Việt Nam đã nhập khẩu thuốc chuyên khoa từ nước ngoài để điều trị chứng máu đông ở bệnh nhân, nhưng không có kết quả.
Theo Reuters, Việt Nam đã chi hơn 5 tỷ đồng (200.000 USD) để cố gắng cứu phi công người Anh mắc COVID-19 này.
Reuters cũng đã thông tin trường hợp hồi tháng 3, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết họ đã thực hiện thành công ca ghép phổi trên một bệnh nhân mắc COVID-19, và ca ngợi là một phương pháp quan trọng để điều trị các bệnh nhân mắc bệnh nặng.