Theo hãng tin CNN, là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc về cơ sở hạ tầng và phần lớn được tài trợ bởi các công ty nhà nước Trung Quốc, tuyến đường sắt cao tốc trị giá 7,3 tỷ USD này đã chính thức khai trương phục vụ hành khách vào hôm nay 2/10, sau một loạt trục trặc và trì hoãn.
Tuyến đường sắt này sẽ kết nối thủ đô Jakarta và Bandung ở Tây Java - thành phố lớn thứ hai của Indonesia và là trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn.
Đầu tàu cao tốc Jakarta-Bandung được nhìn thấy trên sân ga trong giai đoạn thử nghiệm công khai kéo dài một tuần tại ga Halim ở Jakarta vào ngày 17/9/2023. Ảnh:AFP |
Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á
Tuyến đường sắt cao tốc dài 138 km, có tên chính thức là WHOOSH – viết tắt của cụm từ “tiết kiệm thời gian, vận hành tối ưu, hệ thống đáng tin cậy” trong tiếng Indonesia – chạy bằng điện không phát thải carbon trực tiếp. Đoàn tàu di chuyển với vận tốc khoảng 350 km/h giữa ga xe lửa Halim ở Đông Jakarta và ga xe lửa Padalarang ở Tây Bandung và được kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng địa phương.
Dự án được giám sát bởi PT Kereta Cepat Indonesia-Trung Quốc (PT KCIC) liên doanh giữa một tập đoàn Indonesia gồm 4 công ty nhà nước và Công ty TNHH Đường sắt Quốc tế Trung Quốc - một công ty con của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC). Dự án đang được thực hiện trên cơ sở doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong đó Indonesia có 60% cổ phần trong liên doanh, còn Trung Quốc có 40%.
Liên doanh cho biết, với tốc độ 350 km/h, đây là đoàn tàu nhanh nhất ở Đông Nam Á. Vận tốc này sẽ cắt giảm thời gian di chuyển giữa Jakarta và Bandung từ 3 tiếng xuống dưới 1 tiếng.
Liên doanh này cho biết thêm, các đoàn tàu, được điều chỉnh để phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Indonesia, được trang bị hệ thống an toàn có thể ứng phó với động đất, lũ lụt và các tình huống khẩn cấp khác.
Giám đốc PT KCIC Dwiyana Slamet Riyadi phát biểu với các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tại một buổi lễ hồi đầu tháng 9 rằng, đang có các cuộc đàm phán để mở rộng tuyến đường cao tốc tới Surabaya - một cảng lớn và thủ phủ của tỉnh Đông Java.
Điểm dừng tại các thành phố lớn khác như Semarang và Yogyakarta, cửa ngõ vào Borobudur – ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thế giới – cũng đang được lên kế hoạch, Dwiyana cho biết thêm.
Theo thông tin do PT KCIC công bố, thiết kế và hình dạng của đoàn tàu được lấy cảm hứng từ rồng Komodo - loài động vật đặc hữu của Indonesia. Nội thất của tàu có họa tiết batik Megamendung truyền thống của Indonesia.
Đoàn tàu có 8 toa và có sức chứa 601 hành khách. Các chuyến tàu sẽ có một số hạng như VIP, hạng nhất và hạng hai, bên cạnh tiện nghi toa ăn uống, cổng sạc thiết bị điện tử Wi-fi, tiện nghi dành cho người khuyết tật và chỗ để hành lý.
Nội thất bên trong "Rồng Komondo" của Indonesia. Ảnh: CRRC |
Trung Quốc tài trợ 75%
Theo CNN, Indonesia - quốc gia lớn thứ tư thế giới và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - đã tích cực và công khai thu hút đầu tư từ Trung Quốc - đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của nước này.
Cuộc gặp cấp cao vào tháng 7 giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiết lộ một loạt dự án, bao gồm kế hoạch xây dựng một nhà máy thủy tinh Trung Quốc trị giá hàng tỷ USD trên đảo Rempang thuộc Quần đảo Riau của Indonesia như một phần của dự án mới “Thành phố sinh thái”.
Theo trang Railway Technology, thỏa thuận về tuyến đường sắt cao tốc được ký kết vào tháng 10/2015 sau khi Indonesia chọn Trung Quốc thay vì Nhật Bản trong cuộc đấu thầu quyết liệt. Dự án được tài trợ 75% bằng khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. 25% số vốn còn lại đến từ quỹ riêng của tập đoàn Indonesia.
Giám đốc PT KCIC Dwiyana ca ngợi tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung là “ví dụ nổi bật về hợp tác song phương giữa Indonesia và Trung Quốc; nó sẽ không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng của Indonesia mà còn “thúc đẩy sự phát triển của ngành đường sắt và sản xuất của Indonesia”.
Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2019 nhưng đã phải đối mặt với nhiều lần trì hoãn do đại dịch Covid-19 cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng và chi phí tăng vọt. Theo kế hoạch, dự án có vốn đầu tư ban đầu 66,7 nghìn tỷ rupiah (4,3 tỷ USD), nhưng chí phí cuối cùng đã tăng vọt lên 113 nghìn tỷ rupiah (7,3 tỷ USD).
Dự án này là một phần của tuyến tàu cao tốc dài 750 km theo kế hoạch sẽ đi qua bốn tỉnh trên đảo chính Java của Indonesia và kết thúc tại Surabaya - thành phố lớn thứ hai của nước này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trải nghiệm tàu cao tốc trong chuyến thử nghiệm ở Jakarta. Ảnh: AP |
PT KCIC ước tính giá một chiều cho mỗi hành khách sẽ dao động từ 250.000 rupiah (16 USD) cho ghế hạng hai đến 350.000 rupiah (22,60 USD) cho ghế VIP. Hành khách đi đến trung tâm thành phố Bandung cần đi tàu trung chuyển từ ga Padalarang, chuyến tàu này sẽ mất thêm 20 phút nữa với chi phí ước tính khoảng 50.000 rupiah (3,2 USD).
Christianto Nusatya - một người dân Jakarta, người đã tham gia chuyến thử nghiệm công cộng vào tuần trước, cho biết: “Tôi rất vui và phấn khích vì cuối cùng chúng tôi cũng có thể đi tàu cao tốc ở Indonesia. Tuy nhiên, tôi vẫn thích chọn tàu hoặc ô tô thông thường hơn vì quãng đường Jakarta - Bandung quá ngắn và không đáng để đi bằng tàu cao tốc."
Deddy Herlambang - Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu giao thông vận tải NGO có trụ sở tại Jakarta - cho biết, người dân không thực sự cần tàu cao tốc trên tuyến Jakarta - Bandung vì đã có nhiều cách di chuyển khác giữa hai thành phố.
Ông cho biết tàu cao tốc sẽ có tác động kinh tế đáng kể nếu kết nối Jakarta và Surabaya.
“Tàu cao tốc không thể thay thế phương tiện giao thông cũ đã tồn tại trước đây. Tất nhiên, mọi người sẽ thích sử dụng các phương tiện di chuyển rẻ hơn nhiều cho những chuyến đi quãng đường ngắn”, Herlambang nói thêm.
Các tuyến đường sắt chở hàng của Trung Quốc trải dài khắp châu Á
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã tuyên bố mở các tuyến tàu chở hàng mới, trong khi các tuyến đường sắt xuyên biên giới đã trở thành một nét đặc trưng trong các cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo khu vực.