San hô ở Hòn Mun bị chết hàng loạt như thế nào?

Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang thừa nhận về tình trạng có sự suy giảm hệ sinh thái san hô ở Hòn Mun.

Thời gian qua, thông tin san hô ở khu vực đảo Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang, chết hàng loạt, phủ trắng hàng trăm m2 gây xôn xao. 

  Cảnh hoang tàn, xơ xác ở rạn san hô tại vịnh Nha Trang (Ảnh: Minh Châu).

Cảnh hoang tàn, xơ xác ở rạn san hô tại vịnh Nha Trang (Ảnh: Minh Châu).

Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang - ông Huỳnh Bính Thái cho biết đợt khảo sát đầu năm nay cho thấy chất lượng rạn san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình.

Ông Huỳnh Bình Thái cũng thông tin, một số khu vực có rạn san hô phong phú đa dạng như Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Đông bắc Hòn Tre bị thiệt hại nặng nề đến 70-80% sau cơn bão số 12 Damrey tháng 11/2017.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các đội tuần tra ở vịnh đã ngăn chặn khoảng 49 trường hợp khai thác trái phép... Tuy nhiên, ông nhìn nhận đơn vị ít nhân sự nên khó kiểm soát triệt để được tàu đánh cá xâm hại vùng lõi khu bảo tồn. 

Ông Thái cung cấp số liệu cho thấy so sánh với năm 2015, rạn san hộ ở Hòn Mun có độ phủ trung bình giảm nghiêm trọng ở khu vực đông bắc - tây bắc từ 53,7% xuống còn 32,6%. Còn khu vực đông nam - tây nam từ 52,2% xuống còn 11,1%.

Năm 2019, san hô bị tẩy trắng một số khu vực trên vịnh do nhiệt độ nước biển tăng. Qua 3 năm đã có dấu hiệu hồi trở lại tuy nhiên, đến cuối năm 2021 khu vực trên tiếp tục bị ảnh hưởng của cơn bão số 9/2021 làm gãy đổ và bị sóng đánh lên bờ tới 70% diện tích phân bố rạn san hô.

"Theo các nhà khoa học của Viện Hải Dương học Nha Trang, có nhiều nguyên nhân gây suy giảm độ phủ và diện tích rạn san hô vịnh Nha Trang như bão, biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng lên…" - ông Thái nêu.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sinh thái học và tiến hóa - Viện hàn lâm Khoa học Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Nha Trang và Viện Hải dương học vào tháng 3/2021, 90% san hô ở vịnh Nha Trang đã biến mất so với năm 1980. Trong đó, giai đoạn hiện nay suy giảm mạnh nhất.

TS Hoàng Xuân Bền, Phó viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho hay việc suy giảm rạn san hô trong vịnh có nhiều nguyên nhân như: khai thác hủy diệt bằng chất nổ (hiện nay không còn); ô nhiễm môi trường từ các hoạt động du lịch, xả thải, nuôi trồng thủy sản; hiện tượng tẩy trắng san hô và các tác động thiên nhiên như bão, lũ...

Các thợ lặn biển cho rằng một nguyên nhân khiến san hô ở Hòn Mun suy giảm mạnh bởi ở đây có nhiều tàu khai thác, đánh bắt cá trái phép. Các tàu này lượn lờ quanh đảo canh thời điểm vắng lực lượng kiểm tra, lẻn vào đánh bắt. Nhiều tàu đánh bắt giã cào, quét sạch sinh vật biển từ nhỏ đến lớn  khiến san hô gãy đổ, hư hại. Một số người lặn xuống biển để bẫy, đánh thuốc các loại cá, tôm về bán...

Chia sẻ với Zing,  PGS.TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhấn mạnh:“Nếu cơ quan quản lý phân trần san hô chết vì thiên tai, địch họa, con người xâm lấn… đều đúng hết. Tôi nghiên cứu nhiều năm nên hiểu được vấn đề này, tuy nhiên không thể cứ mãi đổ lỗi cho thiên tai, địch họa mà quên đi sự tác động rất lớn từ con người, chiến lược phát triển kinh tế”.

PGS.TS Nguyễn Tác An cho rằng cần có một đánh giá khách quan, khoa học về nguyên nhân thực sự của việc san hô chết hàng loạt ở Hòn Mun để từ đó có chính sách bảo tồn và phát triển.

Trong khi đó, TS Hoàng Xuân Bền, Phó viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang, cho rằng muốn xác định san hô ở vùng lõi khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bị “tẩy trắng” là do ảnh hưởng của thiên tai hay do con người, cần có khảo sát trực tiếp.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết tỉnh đã chỉ đạo TP Nha Trang tăng cường lực lượng kiểm tra, khi phát hiện tàu giã cào xâm phạm khu bảo tồn, lực lượng sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đối với du khách về vấn đề vệ sinh khi đi du lịch, tránh tình trạng xả rác.

Chính quyền tỉnh cũng chỉ đạo Ban quản lý vịnh Nha Trang phối hợp Viện hải dương học và các bên liên quan nghiên cứu để cấy, nuôi trồng, phục hồi rạn san hô dưới đáy biển. Ban quản lý vịnh ước tính mất chừng 10 năm mới phục hồi được các rạ san hô.

Hòn Mun cách bờ hơn 10 km, nằm trong vũng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang (rộng khoảng 160 km2).  Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt vì ở đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây được ví như thiên đường san hô với hệ sinh thái đặc biệt quý hiếm, ít nơi nào có được. 

Thanh Mai

Xe công nghệ chạy 10 chuyến mới được 145 nghìn trong khi khách đỏ mắt tìm xe

Xe công nghệ chạy 10 chuyến mới được 145 nghìn trong khi khách đỏ mắt tìm xe

Trong khi khách hàng khó tìm kiếm xe, tài xế liên tục huỷ cuốc, giá cước tăng cao thì chính cánh tài xế lại than thở chạy xe không có lãi.