Ngày 25/11, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận sản phụ 32 tuổi, ngụ TP.HCM, nhập viện trong tình trạng nguy cấp, không thể sinh con qua đường âm đạo do thai to, khung chậu nhỏ và cổ tử cung không mở. Tuy nhiên, sản phụ và gia đình kiên quyết sinh thuận tự nhiên, từ chối mọi sự hỗ trợ của bác sĩ.
Sau 2 giờ nhập viện, sản phụ bị vỡ ối, đau bụng dữ dội, sốt cao, tim thai rất nhanh. Lúc này, bác sĩ trực đánh giá chuyển dạ khó khăn, chỉ định truyền dịch, truyền thuốc hạ sốt, nhưng sản phụ và gia đình vẫn không đồng ý thực hiện bất cứ can thiệp nào.
Đồng thời, gia đình đưa ra rất nhiều yêu cầu như không được thăm khám âm đạo, không để sản phụ sinh trên bàn mà phải sinh trong tư thế đứng, không được tiêm kháng sinh, truyền hạ sốt, không được tiêm vắc xin cho con khi sinh ra, phải để nửa tiếng mới được cắt dây rốn, không cho con bú sữa bình,…Thậm chí, gia đình còn ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm khi có trường hợp xấu xảy ra.
Nhận thấy tình trạng sản phụ nguy kịch đến mức báo động, lãnh đạo khoa Phụ sản kiên quyết mổ để cứu sống thai nhi. Lúc này, sản phụ và gia đình mới đồng ý để bác sĩ can thiệp. Ca mổ thành công nhưng do vỡ ối lâu, người mẹ phải tiêm kháng sinh, riêng em bé phải được hỗ trợ hô hấp.
Sản phụ mới cho biết vào tháng thứ tư của thai kỳ, chị biết đến trào lưu sinh con thuận tự nhiên trên mạng xã hội. Sau đó, chị quyết tâm sinh con theo phương pháp này vì muốn con... khỏe mạnh và an toàn nhất.
Trên thế giới từ năm 1974 khái niệm "sinh tự nhiên" đã xuất hiện tại Mỹ và Australia với tên gọi là liên sinh (lotus birth). Theo đó, liên sinh là một dạng thực hành sinh con mà cha mẹ giữ nguyên dây rốn của đứa bé dính liền kèm với bánh nhau cho đến khi dây rốn và bánh nhau tự hủy.
Theo xu hướng này, các bà mẹ chọn sinh con tại nhà. Thay vì cắt rốn vài phút sau khi bé chào đời, bà mẹ để bánh nhau nối liền với đứa bé, đặt bánh nhau trong một cái tô hoặc một loại túi đặc biệt, cho vào đó muối hạt hoặc hoa lavender. Thay túi hàng ngày và giữ bánh nhau như thế cho đến khi bánh nhau phân hủy và dây rốn rụng tự nhiên khỏi cơ thể đứa bé, thường khoảng ba đến 10 ngày, thậm chí hai tuần sau.
Những người ủng hộ trào lưu này cho rằng sự tiếp xúc kéo dài với bánh nhau giúp em bé dễ thích nghi với môi trường mới bên ngoài tử cung, giảm stress, nhận được tất cả các chất dinh dưỡng từ bánh nhau, bao gồm cả các tế bào gốc và lượng máu dồi dào còn lại. Họ cho rằng việc cắt rốn sớm có thể gây tổn thương và stress không cần thiết cho đứa bé. Những người theo trào lưu này còn hình tượng hoá tôn vinh bánh nhau như một biểu tượng cho sự khởi nguồn dinh dưỡng đầu đời của em bé.
Trào lưu này trỗi dậy mạnh mẽ vào năm 2008 từ một số bà mẹ ở Anh, dấy lên làn sóng phản đối trong giới y học. Các chuyên gia sản khoa cảnh báo việc bánh nhau nối liền với em bé nhiều ngày sau khi sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng. Mô nhau chứa đầy máu. Một thời gian ngắn sau sinh, khi dây rốn ngừng đập, máu sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau và bánh nhau trở thành mô chết. Để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân hủy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm tính mạng bé sơ sinh.
Hiệp hội sản phụ khoa Anh sau đó đã đưa ra cảnh báo về trào lưu liên sinh, khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào cũng như không có bằng chứng chứng tỏ liên sinh có thể mang lại lợi ích cho trẻ sơ sinh. Hơn nữa nguy cơ nhiễm trùng trẻ rất lớn.
Tại Việt Nam, phong trào này cũng được nhiều sản phụ áp dụng, mặc cho các bác sĩ liên tục cảnh báo, sản phụ tự sinh tại nhà mà không có sự giám sát của nhân viên y tế thì sẽ vô cùng nguy hiểm khi gặp tình huống băng huyết, đờ tử cung, ngôi ngược, tràng hoa quấn cổ, nhau tiền đạo… Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) khẳng định "sinh con tại nhà thuận theo tự nhiên" là cách sinh "quay lại thời tiền sử, đi ngược lại với sự tiến hóa". Trường hợp mẹ con sống sót chỉ là may mắn. Trong quá trình sản phụ chuyển dạ có thể xảy ra các tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ lẫn con... Trong đó nguy cơ đờ tử cung gây băng huyết là biến chứng nguy hiểm nhất, gây tử vong hàng đầu ở bà mẹ. Nếu không được cấp cứu, truyền máu kịp thời, sản phụ có thể tử vong chỉ trong vòng 30 phút.
Bé 12 tuổi sinh con nặng 3,2 kg
Trải qua ca "vượt cạn" kéo dài 10 tiếng, cô bé chỉ mới 12 tuổi người Ukraine hạ sinh một em bé nặng 3,2 kg.