TP.HCM là một trong những địa phương có hoạt động xây dựng lớn nhất cả nước. Vì thế, tai nạn lao động là vấn đề được dư luận quan tâm.
Đầu năm 2022, vụ tai nạn công trình xây dựng nhà hàng K.D trên đường Pasteur (phường Bình Thọ, TP.Thủ Đức) khiến 2 người tử vong gây xôn xao dư luận. Theo đó, 4 công nhân đang đứng trên giàn giáo ở tầng 3 thì bị rơi xuống sân. Trong đó, 2 người tử vong, 2 người bị thương được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Liên quan vấn đề an toàn lao động trong các công trình xây dựng, Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM Trương Công Nam cho hay: Địa bàn TP.HCM là một trong những địa phương có hoạt động xây dựng lớn nhất cả nước. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm an toàn lao động diễn ra trên các công trình.
Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM Trương Công Nam cho biết để quản lý hoạt động xây dựng, thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng đã phối hợp UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai kiểm soát liên ngành, từ khi công trình khởi công xây dựng cho đến khi công trình được nghiệm thu và giao đưa vào sử dụng, theo Dân Việt.
Trong quá trình xây dựng các nhà thầu, chủ đầu tư nếu không chấp hành các quy định liên quan đến an toàn lao động, thì lực lượng thanh tra xây dựng cũng như UBND quận, huyện sẽ kiên quyết xử lý và xử lý rất nghiêm.
Thời gian tới, Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục tham mưu cho UBND TP.HCM có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động vi phạm an toàn lao động, đặc biệt ở các công trình xây dựng, để tránh những sự cố tai nạn lao động hay như vụ cháu bé 10 tuổi lọt vào móng cọc tại công trường cầu Rọc Sen thuộc xã Phú Lợi (H.Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) tử vong vừa qua.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng tại TP.HCM, việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động là yếu tố được đơn vị đặt lên hàng đầu. Cán bộ, nhân viên, người lao động của công ty luôn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động. Việc thi công tại công trình luôn có rào chắn, cảnh báo kỹ càng. Công nhân luôn mặc trang phục thiết bị bảo hộ lao động. Cán bộ quản lý luôn giám sát chặt chẽ. Chính vì thế thì thời gian qua, đơn vị chưa xảy ra sự cố, tai nạn lao động nào.
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, bổ sung lực lượng giảm sát. Song song, tuyên truyền nâng cao ý thức của người lao động. Đồng thời, luôn luôn thực hiện việc rào chắn bên ngoài kỹ càng, không để cho những người không có chức năng, nhiệm vụ tiếp cận công trình.
Ngày 6/1, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh, sau vụ bé trai 10 tuổi tử vong khi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m tại huyện Thanh Bình.
Để tăng cường, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, chủ động công tác phòng ngừa tai nạn lao động, hạn chế tối đa sự cố trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn, UBND tỉnh cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư công trình xây dựng, theo chức năng, nhiệm vụ tập trung thực hiện nghiêm việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật có liên quan từ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đến tận quần chúng nhân dân để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn lao động, theo TPO.
Đồng thời, chủ động tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót tại cơ quan, đơn vị mình.
UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy trình, công nghệ xây dựng.
Khẩn trương yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tổng rà soát, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình từ khâu thiết kế, thi công và giám sát thi công công trình; bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, hạn chế thấp nhất các yếu tố gây nguy hiểm đến tính mạng, gây hại đến sức khỏe người lao động và nhân dân.
Kịp thời phát hiện những trường hợp không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động trong công trình xây dựng hoặc cố ý sai phạm để chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình xây dựng thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định. Rà soát công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế, thi công xây dựng) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Đối với các nhà thầu thi công xây dựng, phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình theo quy định. Trong đó, tổ chức lập kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trước khi thi công xây dựng công trình; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với các công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng.
Chỉ đưa các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vào sử dụng tại công trường sau khi đã được kiểm định đảm bảo an toàn. Dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công...
(Tổng hợp)