Số ca mắc bạch hầu tăng nhanh, cần kiểm soát ngăn nguy cơ bùng dịch

Theo ghi nhận, số ca mắc bạch hầu tại 4 tỉnh, thành phố tăng nhanh trong thời gian từ tháng 6 đến nay.

Tính tới ngày 6/7, Việt Nam đã ghi nhận 49 ca nhiễm bạch hầu ở 4 tỉnh: Kon Tum (23 ca), TP.HCM (1 ca), Gia Lai (10 ca) và Đắk Nông (15 ca) với 3 ca bệnh nhi tử vong. Số ca nhiễm bệnh tăng nhanh từ tháng 6 đến nay. 

Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết ngành chức năng đang điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm đầu tiên là bệnh nhi 4 tuổi ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang đã tử vong. Có tổng 24 trường hợp tiếp xúc gần đã được gửi mẫu bệnh phẩm đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, kết quả 9 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu.

UBND huyện Đắk Đoa đã cho học sinh ở xã Hải Yang (huyện Đắk Đoa) nghỉ học từ 6/7 để phòng chống dịch bạch hầu. 

Số ca mắc bạch hầu tăng nhanh, cần kiểm soát ngăn nguy cơ bùng dịch

Tại Kon Tum, từ đầu năm đã ghi nhận 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại ba huyện là Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 có 14 trường hợp tại xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy) và đều là đồng bào dân tộc. 

Đắk Nông là địa phương ghi nhận ca mắc bạch hầu đầu tiên trong năm nay, đồng thời là nơi có nhiều ca tử vong nhất (2 bệnh nhi). Ca nhiễm bệnh duy nhất tại TP.HCM là bệnh nhân nam 20 tuổi, đến nay đã được điều trị khỏi.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, Bộ Y tế liên tục có công văn chỉ đạo công tác chống dịch tại 4 địa phương vừa ghi nhận ca mắc bạch hầu.Trước đó, Bộ Y tế đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát ổ dịch bạch hầu, tăng cường hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch phát sinh, đồng thời khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Điều trị kháng sinh dự phòng với các trường hợp tiếp xúc và có nguy cơ nhiễm bệnh, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại các ổ dịch; rà soát và thông kê các đối tượng chưa tiêm vắc phòng bệnh hoặc tiêm chưa đầy đủ để tiêm bổ sung, đảm bảo trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) mũi thứ 5.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ để đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ... 

Ngoài ra cần tổ chức theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường, đồng thời thông báo cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh như sốt, đau họng, ho, khàn tiếng để cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo bạch hầu lây qua đường ho hấp với số ca mắc và tử vong cao. Trước tình hình này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng nếu Việt Nam không chống dịch và thực hiện tiêm chủng tốt, tình hình dịch có thể bùng phát, đặc biệt trong điều kiện giao lưu đi lại các nơi thuận tiện như hiện nay.

Thanh Mai

Đã chích vắc-xin bạch hầu vẫn có thể bị bệnh?

Đã chích vắc-xin bạch hầu vẫn có thể bị bệnh?

"Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch", thạc sĩ - bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng cho biết.