Sống chung với dịch bắt đầu từ hộ chiếu vaccine

Một chiếc phao cứu sinh cho những điểm đến? Không, nói đúng hơn, hộ chiếu vắc-xin là cơ hội để hồi sinh và để bứt phá cho không chỉ riêng hòn đảo được chọn là Phú Quốc, mà cho cả một nền du lịch quốc gia.

Hộ chiếu vắc-xin và những cú chuyển mình ngoạn mục

Năm 2008, Hy Lạp đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ quốc gia tồi tệ, khiến GDP nước này sụt giảm tới 26% cho đến năm 2014. Nhưng ngay cả trong thời gian đen tối nhất là vào năm 2011, kinh tế Hy Lạp cũng chỉ sụt giảm 6,9%. Năm ngoái, bất chấp nỗ lực chống dịch, nền kinh tế này tăng trưởng âm 8,2%. Họ mất hơn 13 tỷ USD doanh thu du lịch.

Sau trận chung kết World Cup 2018, một triệu bài báo khắp thế giới nhắc tên Croatia và từ khóa “thăm Croatia” đạt mức cao kỷ lục trên Google mùa hè năm ấy. Triển vọng chói lọi của nền kinh tế có tới 25% GDP đến từ ngành du lịch bị dập tắt vì Covid-19. Nửa cuối năm 2020, Croatia chứng kiến tăng trưởng âm 14,9%.

01.jpeg
Du lịch đóng góp tới 25% vào GDP của Croatia

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, một giải pháp bắt đầu được nhắc đến tại châu Âu – và trở thành niềm hy vọng lớn nhất để bấu víu của nhiều nền kinh tế, như Hy Lạp. Đó là hộ chiếu vắc-xin.

Đón mùa du lịch 2021, Hy Lạp nhanh chóng triển khai một loạt chính sách mở cửa với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid. Chính phủ nước này cũng thực hiện hàng loạt thỏa thuận song phương với hơn 30 quốc gia, để tiếp nhận công dân có chứng nhận đã tiêm hoặc có kháng thể từ những nước này.

Đến tháng 8 vừa qua, Hy Lạp ghi nhận số chuyến bay thương mại bằng 93% so với cùng kỳ năm 2019, một năm đỉnh cao trước đại dịch.

Croatia cũng đón mùa hè 2021 bằng sự hồi sinh, khi số chuyến bay thương mại trong tháng 8 đạt gần 80% so với 2 năm trước. Tại Dubrovnik, điểm đến hàng đầu của du lịch Croatia, thậm chí một số nhà hàng còn không kịp thuê phục vụ - họ bị bất ngờ vì sự hồi sinh quá nhanh chóng sau năm 2020 ảm đạm. Số lượng phòng đặt qua đêm trong tháng 7/2021 đạt 69% so với năm 2019.

Về cơ bản, bộ chính sách ứng phó với Covid-19 của EU nói chung và các vùng du lịch tại Nam Âu nói riêng bao gồm: Thúc đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho phần lớn dân số trưởng thành; Mở cửa với những du khách đã tiêm đủ liều vắc-xin (có hộ chiếu vắc-xin), đã nhiễm nhưng khỏi bệnh, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính PCR.

02.jpg
“Đường cong” Covid – số ca nhiễm mới – của một số nước châu Âu từ 19/7, khi chứng nhận vắc-xin điện tử được ra mắt.

Bất chấp sự xuất hiện của chủng Delta và việc thúc đẩy giao thương, du lịch trở lại, hầu hết các quốc gia châu Âu đều đang ghi nhận số ca nhiễm thấp hơn rất nhiều so với đỉnh cuối năm 2020, tiến dần về trạng thái “bình thường mới”.

Cơ hội nào cho Phú Quốc?

Những kinh nghiệm thực tế trên từ chính sách “hộ chiếu vắc-xin” của châu Âu là bài học quan trọng cho du lịch Việt Nam và Phú Quốc, khi đảo ngọc đã được định ngày để triển khai hộ chiếu vắc-xin, mở cửa du lịch quốc tế.

Lượng khách đến Phú Quốc giảm tới trên 95% thời gian qua, tốc độ phát triển kinh tế của một thành phố với thế mạnh về du lịch bởi thế không thể nói là không ảnh hưởng. Thế nên, chủ trương thí điểm chọn Phú Quốc mở cửa đón khách du lịch quốc tế thông qua "hộ chiếu vắc-xin" giống như một cơ hội lớn được đặc biệt trao cho Phú Quốc.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận: “Việc triển khai thành công hộ chiếu vắc-xin tại Phú Quốc sẽ là cơ hội lớn để điểm đến này bứt phá trên thị trường du lịch thế giới, bởi nơi đây hội tụ đầy đủ điều kiện để có thể tham gia cuộc đua nhanh nhất, rút ngắn khoảng cách của du lịch Việt Nam với thế giới. Phú Quốc hoàn toàn có thể bứt phá, trở thành một Phuket hay Maldives mới của châu Á”.

Trong bối cảnh có rất ít ca nhiễm, tỷ lệ phủ vắc-xin cao, lại là một hòn đảo – nếu so sánh với sự “lên xuống” trong các danh sách cảnh báo của Thái Lan, mật độ dân số của Singapore, Phú Quốc hoàn toàn có thể là ngôi sao sáng nhất trong bầu trời du lịch Đông Nam Á trong mùa du lịch cuối năm tới.

03.jpg
Năm 2019, Phú Quốc đón hơn 5,1 triệu khách du lịch 

Đó cũng là lý do mà chính phủ kỳ vọng cao vào cuộc thí điểm mở cửa đón khách, và đưa ra con số dự kiến hơn 2 triệu lượt khách. Trước đại dịch, mỗi du khách quốc tế đến Việt Nam tiêu hơn 900 USD cho cả kỳ nghỉ, nghĩa là chỉ hơn 1 triệu lượt khách đã tạo ra doanh thu 1 tỷ USD.

Ngay cả trong những kịch bản thận trọng nhất, khi khách giảm chi tiêu trong đại dịch (nhưng lại chỉ ở Phú Quốc thay vì di chuyển), nếu vượt qua mốc 2 triệu lượt khách, thì doanh thu tỷ USD là điều có thể trông đợi.

Doanh thu hơn 20.000 tỷ từ du lịch chỉ là một kỳ vọng “bình thường” của Kiên Giang trong một năm “bình thường”. Nhưng ở thời điểm này, nó là một hy vọng lớn lao cho những người dân đảo ngọc.

Đấy là từ góc nhìn về cơ hội đối với ngành du lịch. Nhìn tổng quan hơn, hộ chiếu vắc-xin đang mang tới cho Phú Quốc những đổi thay có tính dẫn dắt xu thế. Bên cạnh việc xúc tiến những dịch vụ không chạm, một chạm để đón khách tại Phú Quốc, những tập đoàn lớn như Sun Group thậm chí còn tiên phong tạo nên những gói trải nghiệm Wellness, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng mang phong cách Wellness, xuất phát từ chính nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe của du khách sau dịch bệnh, đưa đảo ngọc trở thành điểm đến của những gì mới nhất, thú vị và đáng khám phá nhất.

04.jpg
Nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe của du khách tăng cao sau dịch bệnh

Từ vài năm gần đây, liên tục có những chính sách mở lần đầu tiên áp dụng cho Phú Quốc, từ 1 trong 3 “ứng viên” có cơ hội thành đặc khu kinh tế, đến thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam và bây giờ là điểm đến đầu tiên thí điểm đón khách có hộ chiếu vắc-xin.

“Điều này chắc chắn sẽ tạo ra thời cơ cho Phú Quốc bứt phá, phát triển mạnh mẽ so với những địa phương khác, tương xứng với tiềm năng, lợi thế riêng biệt của vùng đất này. Đây là cơ hội mà Phú Quốc cần biết nắm bắt sớm”, ông Thiên nhấn mạnh.

MAI UYÊN