Chúng ta hay đùa rằng, mọi nỗi lo trên đời đều có thể giải quyết bằng tiền (hoặc rất nhiều tiền). Thế nhưng mọi thứ không đơn giản đến vậy.
Thực tế nhiều người vẫn khó cảm nhận được an toàn tài chính, luôn thấy mình thiếu thốn về vật chất dù nhập ngày càng gia tăng. Nếu rơi vào trường hợp này, có thể bạn đang mắc chứng “rối loạn tiền bạc", đó là dù giàu có đến đâu bạn vẫn thấy không đủ tiền tiêu xài. Về lâu dài, sự căng thẳng về kinh tế có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khoẻ thể chất và tinh thần.
Câu hỏi mà nhiều người vẫn thắc mắc: Chứng rối loạn tiền bạc hình thành từ đâu?
- Nguyên do 1: Bạn đang “lạm phát lối sống"
Lạm phát lối sống là thuật ngữ chỉ khi thu nhập gia tăng khiến bạn có động lực “vung tiền: mạnh tay hơn để nâng cao mức sống. Thế nhưng, nếu bạn chi tiêu nhiều hơn tốc độ gia tăng tiền lương thì tiết kiệm cũng không còn.
Tâm lý này được thể hiện qua việc bạn sẵn sàng chi tiêu cho các khoản tưởng như vô hại, có lợi cho sức khỏe tinh thần nhưng về lâu dài, chúng có thể “đốt sạch" ví tiền. Chẳng hạn như mua sắm quần áo đắt tiền hơn, thường xuyên đi ăn ngoài, uống cafe ở thương hiệu lớn thay vì chọn đồ uống vỉa hè giá bình dân 15.000 đồng như trước.
Ảnh minh hoạ |
Khi tiền lương tăng cao, nhiều người sẽ nghĩ mình xứng đáng được tiêu xài, tận hưởng một chút sau nhiều cố gắng đã qua. Hậu quả là thay vì dùng tiền để đầu tư cho tương lai, tiết kiệm phòng ngừa các biến cố, họ lại đổ hết tiền vào thú vui nhất thời vì suy nghĩ “ai cũng chỉ sống một lần trên đời". Tóm lại, dù tiền lương tăng và bạn sống “sang chảnh hơn" thế nhưng tình hình tài chính vẫn không hề lạc quan, thậm chí thụt lùi và ngày càng bất an khi biến cố đến.
- Nguyên do 2: Luôn so sánh độ giàu có với người khác
Nếu bạn không mắc phải “lạm phát lối sống" mà vẫn cảm thấy mình nghèo thì có thể do chưa học được cách hài lòng với tình hình tài chính.
Đại học Harvard từng thực hiện một cuộc nghiên cứu dành cho sinh viên trong trường rằng họ muốn nhận mức lương nào?
Một, kiếm được 50 nghìn USD/năm, trong khi những người khác trong công ty kiếm được trung bình 25 nghìn USD.
Hai, kiếm được 100 nghìn USD/năm, trong khi mức lương trung bình của những người khác là 250 nghìn.
Về mặt lợi ích kinh tế, có lẽ ai cũng sẽ chọn đáp án hai vì lương cao hơn gấp đôi. Tuy nhiên hơn một nửa số sinh viên thích chọn loại công việc đầu tiên, bởi vì nếu những người xung quanh kiếm được nhiều tiền hơn mình, họ sẽ cảm thấy không vui.
Ảnh minh hoạ |
Tại sao độ dày “ví tiền" của người khác lại ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận về tài chính cá nhân?
Bởi lẽ khi có ai đó kiếm được nhiều tiền hơn, mua sắm đồ đạc đắt tiền hơn… thì lúc đó vẫn còn lý do để khiến bạn cảm thấy không hài lòng, từ đó muốn sở hữu nhiều thứ hơn. Cảm giác bất an tài chính, thấy mình không bao giờ đủ tiền mua sắm cũng hình thành từ đây.
Làm thế nào để loại bỏ chứng “rối loạn tiền bạc"?
Chia sẻ trên tờ BI, Gideon Drucker - một chuyên gia tài chính nhận định: Những người luôn cảm giác không đủ tiền thường xuất phát từ việc họ không có nhận thức rõ ràng về bức tranh tài chính cá nhân. Có người thu nhập không quá cao nhưng vẫn chi tiền vào nhiều khoản chi phí không đáng có. Trong khi đó, người thu nhập cao nhưng lại thích so sánh từng món đồ mua được với nhiều người giàu có hơn.
Ali Katz - một luật sư chuyên về kế hoạch tài chính và gia đình cho biết thêm về hội chứng này: “Chứng rối loạn tiền bạc là quan điểm lệch lạc mà chúng ta đưa ra về tình hình tài chính thực tế, từ đó khiến bản thân có những quyết định sai lầm.
Chẳng hạn nó khiến họ tiếp tục làm công việc đã chán ngấy, ưu tiên làm việc nhiều hơn thay vì dành thời gian cho gia đình. Hoặc chúng có thể thúc đẩy họ trì hoãn theo đuổi tham vọng nghề nghiệp lớn hơn như khởi nghiệp. Bởi họ luôn nghĩ rằng mình ‘không đủ giàu'. Về lâu dài, chúng gây ra căng thẳng liên tục và không đáng có cho ‘nạn nhân'”.
Ảnh minh hoạ |
Ali Katz gợi ý, việc điều đầu tiên một người gặp phải chứng “rối loạn tiền bạc" cần làm là vẽ ra bức tranh tài chính của họ càng cụ thể càng tốt. Bức tranh này không chỉ thể hiện số tiền mà họ có mà còn là số tiền số tiền họ cần và số tiền họ muốn. Ali Katz cũng nhấn mạnh điều quan trọng là bạn phải nhận ra tình hình tài chính hiện tại là “đủ” để thay đổi cuộc đời bạn.
Gideon Drucker cũng đồng ý rằng việc lập kế hoạch tài chính có thể giúp mọi người giảm bớt nỗi lo về tiền bạc, thay vì liên tục so sánh bản thân với người khác hay mong muốn có nhiều thứ hơn. Việc đặt ra những mục tiêu tài chính nhỏ và dễ dàng đạt được g cũng có thể giúp mọi người cảm thấy tự tin vì mình đang đi đúng hướng và đủ tiền trang trải cho nhiều nhu cầu của cuộc sống.
Gideon Drucker nhấn mạnh, mọi người nên hiểu tầm quan trọng của việc tìm thấy hạnh phúc ở hiện tại, chứ không chỉ đơn giản là cố gắng tiết kiệm tiền hay lao đầu vào làm việc.
“Dẫu biết tiết kiệm là quan trọng, tuy nhiên một kế hoạch tài chính thành công không phải là để khiến bạn trì hoãn mọi hạnh phúc và lòng biết ơn cho đến khi bạn 75 tuổi và có tài sản hàng triệu đô la", Gideon Drucker bày tỏ.
Bài toán tài chính: Mang cơm đi làm và đặt đồ ăn qua app, việc nào tốn tiền hơn?
Chụp cái mũ “tiêu hoang, không biết tiết kiệm” cho những người có thói quen đặt đồ ăn thay vì tự nấu nướng, là oan cho họ lắm!