Spotlight: “Những câu chuyện như này là lý do chúng ta làm báo!”

Những nhà báo của Globe khi đó, họ buộc phải đứng giữa hai lựa chọn, tấn công trực diện vào Giáo hội Công giáo, thành lũy tâm linh và đức tin của hàng triệu con người, hay tiếp tục giữ im lặng và đồng ý hòa giải với một số tiền đền bù – có vẻ như là – thỏa đáng, cho các nạn nhân. Nhưng cuối cùng, điều họ lựa chọn, đó là Sự Thật.

Đôi khi chúng ta mò mẫm trong bóng tối quá lâu nên dễ dàng thỏa hiệp. Rồi đột nhiên một tia sáng chiếu qua, buộc ta phải nhìn nhận, ai cũng có trách nhiệm trong việc này.

Mọi người đã có một phóng sự rất hay ở đây rồi, bài viết mà tôi tin rằng sẽ lập tức tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ cho độc giả. Với tôi, câu chuyện kiểu này là lý do để chúng ta làm báo” - Marty Baron, chủ bút mới của tờ The Boston Globe đã nói với nhóm phóng viên của mình như vậy, khi quyết định cho phanh phui hàng loạt vụ ấu dâm của các linh mục trong nhà thờ Công giáo suốt 34 năm tại Boston.

Marty Baron, chủ bút của The Boston Globe ngoài đời
Marty Baron, chủ bút của The Boston Globe ngoài đời

Vụ án ấu dâm chấn động thế giới

Năm 1976, một linh mục có tên John Geoghan tại Giáo phận Boston bị bắt vì tội lạm dụng tình dục trẻ em, những đứa trẻ từ 10 đến 14 tuổi đã bị lạm dụng tình dục đồng tính trong sợ hãi và hoảng loạn mà không dám nói ra với ai.

Kì lạ thay, sự việc nhanh chóng rơi vào quên lãng. Geoghan âm thầm được phóng thích, và gần như không có cơ quan truyền thông nào đưa tin về sự việc. Thay vì lên tiếng xin lỗi và nhận tội, phía Công giáo chi ra một khoản tiền khiêm tốn để bồi thường, và bằng một lý do nào đó, các nạn nhân đều chọn im lặng và bỏ cuộc.

Nhiều năm trôi qua, sự việc tưởng như rơi vào quên lãng. Các nạn nhân và nhân chứng gần như đã tuyệt vọng. Ở thời điểm đó, với phần lớn dân số Boston là người theo Công giáo, thì “làm sao có thể nói “không” với Chúa?”, “làm sao có thể kiện được nhà thờ?”. Một vài tờ báo và kênh truyền thông nhỏ lên tiếng một cách yếu ớt trong vô vọng. Mọi thông tin về vụ án đều bị đóng sập cửa.

27 năm sau, vào năm 2001, Marty Baron, chủ bút mới người Do Thái của tờ The Boston Globe đã đọc được một mẩu tin về vụ án của John Geoghan, tay linh mục bị cáo buộc lạm dụng tình dục nhưng dễ dàng thoát tội. Baron ngay trong ngày đầu tiên nhận vai trò Tổng biên tập đã đặt những câu hỏi cho những người đồng nghiệp mới của ông rằng: Tại sao vụ án bị khép lại khi chưa thực sự được điều tra đến nơi đến chốn, và Globe đã thực sự đặt câu hỏi cho tòa án để tìm ra chân tướng sự việc hay chưa.

Ông nhận ra rằng, rõ ràng vấn đề còn đang có khuất tất đâu đó.

Boston Globe là một tờ nhật báo của Mỹ được thành lập năm 1872, và có trụ sở tại Boston, Massachusetts. Tờ báo đã giành được tổng cộng 26 giải Pulitzer, và có số lượng phát hành trong tuần là 92.820 trong ba tháng cuối năm 2019. Boston Globe là nhật báo lâu đời nhất và lớn nhất ở Boston (ảnh tư liệu)
Boston Globe là một tờ nhật báo của Mỹ được thành lập năm 1872, và có trụ sở tại Boston, Massachusetts. Tờ báo đã giành được tổng cộng 26 giải Pulitzer, và có số lượng phát hành trong tuần là 92.820 trong ba tháng cuối năm 2019. Boston Globe là nhật báo lâu đời nhất và lớn nhất ở Boston (ảnh tư liệu)

Anh ấy đặt một câu hỏi đơn giản nhưng khiến tất cả những người có mặt ngày hôm đó phải sượng sùng. Đó chính là câu hỏi bắt đầu cho tất cả”, nữ phóng viên Sacha Pfeiffer của nhóm Spotlight kể lại.

Marty Baron quyết định lật lại vụ án, ông giao đề tài cho một nhóm phóng viên điều tra kỳ cựu có tên gọi Spotlight, khi đó đang tập trung cho một vụ kiện khác tại Sở cảnh sát Boston. Tất cả đã quyết định đặt đề tài đang theo đuổi sang một bên và tập trung cho vụ ấu dâm tại nhà thờ. Marty Baron, với sự thông minh và tỉnh táo, đã chỉ ra rằng, câu chuyện không chỉ dừng lại ở những tội ác của một vài linh mục, mà là sự bao che bưng bít của cả hệ thống giáo hội. Tội ác ấu dâm ở đây đã kéo dài mấy chục năm, và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Từ những nhân chứng và dữ liệu ban đầu, một loạt các bê bối tình dục của các linh mục đã bị phanh phui.

Trong vòng 34 năm, qua ba đời Hồng y giáo chủ, 249 linh mục nhiều lần phạm tội ấu dâm và được bao che, hàng trăm nạn nhân đã bị lạm dụng tình dục và bị ám ảnh suốt quãng đời còn lại. Sự kiện gây chấn động lan ra ngoài biên giới Mỹ, kéo theo hàng loạt vụ án tương tự của linh mục ở Canada, Australia và Ireland. Giáo hội Công giáo La Mã gặp khủng hoảng và Hồng y Boston Cardinal Law khi đó phải từ chức. 

Nhóm Spotlight ngoài đời thực
Nhóm Spotlight ngoài đời thực

Năm 2003, Boston Globe và nhóm phóng viên điều tra Spotlight được trao giải Pulitzer Báo chí ở hạng mục “Vì cộng đồng” (Pulitzer Prize for Public Service). Năm 2009, hai nhà làm phim Nicole Rocklin và Blye Faust quyết định đưa vụ án động trời này lên màn ảnh với tên gọi: Spotlight.

Phim ra mắt lần đầu năm 2015, không nặng nề triết lý, không tìm cách lấy nước mắt của khán giả, không những cảnh quay hoành tráng và đắt đỏ, chỉ với cách kể chuyện tối giản, điềm tĩnh, nhưng chân thực, Spotlight vẫn là một trong những bộ phim hay nhất về nghề báo trong lịch sử điện ảnh thế giới. Phim giành được hai giải Oscar cho “Phim hay nhất” và “Kịch bản gốc xuất sắc nhất” tại giải Oscar lần thứ 88.

“Trách nhiệm của báo chí ở đâu?”

Ngày 6/1/2002, tờ Boston Globe xuất bản bài đầu tiên trong loạt bài tố cáo các hành vi dụ dỗ và lạm dụng tình dục của các linh mục xứ Boston. Và ngay sau bài viết dũng cảm đầu tiên, sáng hôm sau, Globe nhận hàng trăm cuộc gọi từ các nạn nhân, những người đã im lặng hàng chục năm, không hẳn vì sợ hãi, mà vì không còn tìm thấy niềm tin vào một nơi dám nói lên sự thật.

Nhiều đứa trẻ bị lạm dụng tình dục mất lòng tin với Chúa, tìm đến với thuốc phiện, với chất kích thích và thậm chí nhảy cầu tự tử. Nhưng không ai quan tâm tới chúng cả.

Thay vì chỉ tìm cách khuấy động công chúng và gây ồn ào để tạo áp lực như cách báo chí đã làm trước đó, nhóm phóng viên Spotlight đã tìm cách thâm nhập thực tế, tiếp cận các dữ liệu và các nhân chứng. Quá trình gặp gỡ nạn nhân là những câu chuyện đau xót khiến cho bốn phóng viên của Spotlight không thể dừng lại.

Một trong những nạn nhân của tội ác ấu dâm trong nhà thờ tại Boston (ảnh trong phim)
Một trong những nạn nhân của tội ác ấu dâm trong nhà thờ tại Boston (ảnh trong phim)

Thử thách với bốn cây viết can đảm nhất của Spotlight khi đó, họ sẽ phải đối diện với một thế lực gần như tối thượng lúc bấy giờ, đó là Giáo hội Công giáo.

Giáo hội đã có quyền lực hàng thế kỉ. Anh nghĩ báo anh có đủ tiềm lực để đấu lại họ không?” - Thanh tra Mitchell Garabedian đã nói với phóng viên của Spotlight như vậy.

Nói về ấu dâm, nhưng Spotlight không trực diện nói đến ấu dâm, mà khắc họa hành trình những nhà báo kỳ cựu của Boston Globe trong quá trình truy tìm sự thật về vụ bê bối tình dục trong hệ thống nhà thờ Boston. Trong suốt 129 phút của bộ phim, không có bất cứ hình ảnh lạm dụng nào, cũng không có sự xuất hiện của những kẻ thủ ác để lấy nước mắt hay khơi dậy sự căm phẫn. Mà chỉ có quá trình đấu tranh điều tra của bốn phóng viên nhóm Spotlight, cùng lời kể của những nạn nhân, những người sống sót trong nỗi ám ảnh và sợ hãi sau mấy chục năm.

Poster phim Spotlight
Poster phim Spotlight

Một loạt tư liệu, bằng chứng và một loạt cái tên đã bị phanh phui gây choáng váng cho tất cả - 6% số linh mục ở Boston, nghĩa là khoảng 90 người, đã có hành vi lạm dụng tình dục trẻ em nam và nữ trong nhà thờ. Một danh sách đã được liệt kê.

Trách nhiệm của báo chí ở đâu khi phát hành những tư liệu này?

“Vậy trách nhiệm báo chí ở đâu khi KHÔNG phát hành những tư liệu này?"

Đó là câu hỏi mà phóng viên Michael Rezendes (Mark Ruffalo) đã đặt ra cho thẩm phán của vụ án. Những nhà báo của Globe khi đó, họ buộc phải đứng giữa hai lựa chọn, tấn công trực diện vào Giáo hội Công giáo, thành lũy tâm linh và đức tin của hàng triệu con người, hay tiếp tục giữ im lặng và đồng ý hòa giải với một số tiền đền bù – có vẻ như là – thỏa đáng, cho các nạn nhân.

Nhưng cuối cùng, điều họ lựa chọn, đó là Sự Thật.

 “Những câu chuyện như này là lý do chúng ta làm báo!”

Spotlight ra đời năm 2015, giữa thời đại các tạp chí giấy với những phóng sự điều tra thực tế đang chết dần, sự lấn sân của báo điện tử với thông tin nhanh và có phần dễ dãi hơn đang lấn chiếm dần không gian tin tức. Thì các phóng viên của Spotlight, họ vẫn chọn con đường gian nan và hiểm nguy, dấn thân vào các vấn đề nóng gây nhức nhối, những đề tài mà gần như ít người dám động chạm tới.

Cảnh trong phim
Cảnh trong phim

Sự thành công của nhóm Spotlight năm đó, không chỉ nằm ở bản lĩnh của những người cầm bút giàu kinh nghiệm, của trách nhiệm báo chí với nhân quyền và sự thật. Và Spotlight còn là một dấu ấn đĩnh đạc về khả năng chuyên môn, nơi những người cầm bút, dù có hàng triệu huân chương và giải thưởng, thì vẫn không ai là ngôi sao, mà mỗi người là những mắt xích nhỏ tạo nên thành công cho cả cuộc điều tra.

Spotlight được coi là một trong những câu chuyện chân thực và trực diện nhất của nghề báo, không tô vẽ, không hào quang lộng lẫy. Đó không phải là câu chuyện của những siêu anh hùng, mà là những sự cân não khốc liệt, đôi khi là cả những mánh lới, đeo bám, thuyết phục, và cả những sai lầm. Có khi, họ cũng đã vô cảm mà bỏ qua cơ hội để sự thực được lên tiếng, như nhà báo kỳ cựu Robby Robinson (Michael Keaton) thú nhận trong phim.

Liev Schreiber (bên trái), người thể hiện xuất sắc vai Tổng biên tập Marty Baron trong phim
Liev Schreiber (bên trái), người thể hiện xuất sắc vai Tổng biên tập Marty Baron trong phim

Nhưng sau tất cả, với lương tâm và cả trách nhiệm của người cầm bút, họ vẫn đã chọn cách dấn thân, tỉnh táo và quyết đoán, để đứng về phía những nạn nhân yếu ớt khốn khổ. Như Baron đã từng nói trước các phóng viên của mình khi bài viết đầu tiên được công bố: “Với tôi, những câu chuyện kiểu này là lý do để chúng ta làm báo!”.

Ngoài đời thực, năm 2013, Baron rời The Boston Globe trong vinh quang và chuyển sang ngôi nhà mới, tờ Washington Post. Sự xuất hiện của Baron và tỷ phú Amazon là Jeff Bezos giúp Washington Post bước vào “kỷ nguyên phục hưng” với 52 triệu lượt views mỗi tháng, và các nhân viên của Post đều được tăng lương gấp đôi.

Lan Anh

‘Bí mật Lầu Năm Góc': Sự dối trá của Nixon, McNamara và quyền Tự Do Báo Chí

‘Bí mật Lầu Năm Góc': Sự dối trá của Nixon, McNamara và quyền Tự Do Báo Chí

“The Post” tái hiện một cách sống động, chân thực cuộc đấu tranh căng thẳng và quyết liệt giữa báo chí Mỹ những năm 1970 trước gian dối của nhà cầm quyền