Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng các ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,... không được giảm trong quyết định thuế VAT.
Nghị quyết cũng quy định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam…
Theo Bộ Tài chính, chính sách giảm thuế VAT khiến ngân sách nhà nước có thể giảm thu của năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng. Chính sách khấu trừ chi phí liên quan các khoản ủng hộ phòng chống dịch cũng khiến giảm thu ngân sách 2.000 tỷ đồng.
Nghị quyết quy định hai nội dung quan trọng gồm: giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và cho phép doanh nghiệp tính các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch tại Việt Nam vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm 2% trong năm 2022, xuống còn 8%. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2022, tức đúng vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT là: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Sở dĩ có chính sách nêu trên, Bộ Tài chính lý giải, trong năm 2020 - 2021, do tác động của dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chị phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội...
Do vậy, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vừa diễn ra đầu tháng này, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy định giảm thuế giá trị gia tăng; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tổng Hợp