Tân Hoàng Minh có bị cấm tham gia đấu giá các lần tiếp theo?

Với những tiền lệ xấu về đấu giá, cụ thể là trả giá cao rồi bỏ cọc, liệu Tân Hoàng Minh có bị cấm tham gia đấu giá trong tương lai? 

Với việc đơn phương bỏ cọc, ông Đỗ Anh Dũng thêm một lần nữa khiến dư luận nhắc lại sự việc tương tự trước đó, năm 2016 ông chủ Tân Hoàng Minh từng bất ngờ bỏ cọc sau khi đấu giá cặp chóe tứ linh với giá 6,05 tỷ đồng. Với việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc, theo quy định về đấu giá hiện hành, đơn vị trả giá cao thứ hai sẽ trúng đấu giá nếu vẫn có nhu cầu mua lô đất này.

Trước đó,  bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đấu giá Lạc Việt – đơn vị tổ chức buổi đấu giá cặp chóe Tứ linh vào năm 2016 – cho biết: “Sau buổi đấu giá cặp chóe Tứ linh đó, khi biết được thông tin Tân Hoàng Minh có ý định bỏ cọc, đích thân tôi đã viết thư gửi đến cá nhân ông Đỗ Anh Dũng để thuyết phục, trong đó phân tích mọi lẽ thiệt hơn, rằng danh dự, uy tín của Tân Hoàng Minh và cá nhân ông Dũng còn lớn hơn rất nhiều so với số tiền 6,05 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Dũng đã phớt lờ lời đề nghị của tôi.”

Kịch bản bỏ cọc của Tân Hoàng Minh cũng không quá bất ngờ đối với dư luận bởi trong quá khứ, nước đi này đã từng diễn ra tại khu đất ở trung tâm quận 1. Năm 2016, Tân Hoàng Minh từng lập kỷ lục trúng đấu giá lô đất 3.025 m2 tại số 23 Lê Duẩn với giá 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 7 năm tính tại thời điểm đó.

Theo quy chế đấu giá, Tân Hoàng Minh chấm dứt hợp đồng mua lô đất thì sẽ bị mất cọc khoản tiền đặt trước - tương đương 20% so với giá khởi điểm. Như vậy, số tiền Tân Hoàng Minh chấp nhận mất là 600 tỷ đồng.

T Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật ANVI cho biết, theo quy định của pháp luật về đấu giá hiện hành, nếu bên trúng đấu giá bỏ cọc trước khi ký hợp đồng thì sẽ mất số tiền đặt trước. Trường hợp bên trúng đấu giá bỏ sau khi ký hợp đồng thì sẽ mất tiền đặt cọc với số tiền khoảng 20%.

“Số tiền bị mất sẽ là 20% so với giá khởi điểm, số tiền ban đầu là đặt trước, sau đó mới là đặt cọc, và việc bên trúng đấu giá đơn phương bỏ ngang sẽ bị phạt cọc. Hiện đã có chế tài sòng phẳng về việc này nên nếu không phát hiện dấu hiệu gian lận gì trong đấu giá thì quy định hiện nay cũng không cấm doanh nghiệp tham gia đấu giá vào những lần sau”, luật sư Trương Thanh Đức nói. Dù không bị chặn tham gia các vụ đấu giá tiếp theo tuy nhiên truyền thống 'quay xe phút chót' của vị Chủ tịch này cũng gây không ít nghi ngại và ảnh hưởng uy tín tập đoàn.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho biết thông thường theo quy chế đấu giá, ngay từ lúc doanh nghiệp được lựa chọn và đặt cọc, nghĩa vụ người tham gia đấu giá đơn thuần nằm ở vấn đề đặt cọc.  "Trường hợp người tham gia đã có những tiền lệ xấu, có thể sau này quy chế đấu giá được bổ sung thêm những quy định mới để lựa chọn doanh nghiệp ngay từ lúc đặt cọc.

Quy chế đấu giá tài sản được thiết lập ngay từ đầu, đã có những nội dung bắt buộc nhưng không ai có thể cấm cản quy chế đấu giá bổ sung thêm những nội dung khác. Trong đó, quy chế đấu giá có thể cụ thể hóa các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá như trường hợp bên tham gia đấu giá có lịch sử cản trở quá trình đấu giá trong quá khứ", Luật sư Hải chia sẻ.

Nói thêm về sự kiện đấu giá đất rồi bỏ cọc của Tân Hoàng Minh lần này, Luật sư Hải cho rằng trước hết cần nhìn vấn đề theo góc độ một cuộc đấu giá thông thường. Ở trường hợp này, doanh nghiệp đã vi phạm quy chế đấu giá, phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện được nghĩa vụ theo quy chế đấu giá, tức sẽ mất cọc (tương đương khoảng 600 tỷ đồng). Trong trường hợp Tân Hoàng Minh cản trở quá trình đấu giá những có những dấu hiệu nghiêm trọng hơn, cơ quan chức năng có quyền xem xét và cần phải xử lý để tạo tiền đề cho những trường hợp sau.

Động thái Tân Hoàng Minh đang hướng đến có khả năng nhằm kích giá thị trường BĐS, nhưng lại theo kiểu tăng giá ảo. Khi Tân Hoàng Minh cố tình trả giá “trên trời” cho khu đất ở Thủ Thiêm và làm giá đất, hệ quả những khu vực lân cận bị đẩy lên cao, sẽ rất bất lợi cho thị trường nói chung. Khi giá BĐS tăng bất thường không theo nhịp độ phát triển kinh tế, người dân sẽ dồn vốn vào thị trường BĐS khiến không còn ai muốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh nữa. Thị trường không mong muốn những hoạt động kích giá ảo như vậy. Đây là tiền lệ xấu và gây nhiều hệ lụy cho thị trường BĐS nếu như không chấn chỉnh.

Ở đây là cần hoàn thiện nghiêm chỉnh pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng có sự tham gia của nhà đầu tư, và người tham gia đấu giá phải chịu trách nhiệm về tài chính.

Tổng Hợp