Có đồng nghiệp “hợp cạ” sẽ giúp bạn muốn đi làm hơn, giă tăng động lực làm việc. Tuy nhiên nhược điểm là có thể khiến bạn bội chi vì lỡ tay chi tiêu quá nhiều.
Những người đồng nghiệp đã khiến tôi tiêu hoang phí như thế nào?
Từ khi chuyển sang công ty mới, Khánh Linh (24 tuổi, Hà Nội) không còn nhớ số buổi bản thân đặt đồ ăn bên ngoài cùng đồng nghiệp. Ở nơi làm việc này, cô nàng ví mình như “cá gặp nước”, không chỉ phù hợp với đồng nghiệp về quan điểm sống, môi trường công sở mà còn là gu ăn uống.
“Thời ở công ty cũ, mình làm việc với hầu hết người lớn tuổi, người trẻ nhất hơn mình 3 tuổi. Mình làm ở một agency nhưng môi trường không năng động và cởi mở. Thời điểm đó, mình khó hòa nhập với mọi người, cũng như không có nhiều kết nối cùng đồng nghiệp. Mọi thứ đã thay đổi khi mình chuyển công ty mới”, Khánh Linh tâm sự.
Một trong những biểu hiện của việc hòa nhập đúng môi trường công sở là Khánh Linh tăng 4 kg do đồng nghiệp rủ rê ăn uống quá hết. Hết gọi đồ ăn trưa thì đến buổi chiều, trong nhóm chung của Khánh Linh lại xuất hiện lời hỏi thăm nên đặt đồ ăn vặt thế nào. Cũng từ đó, số tiền đặt đồ ăn ngoài của cô nàng cũng tăng đến 4 triệu đồng/tháng.
Ảnh minh họa |
“Trước kia, mình là người hiếm khi gọi đồ ăn bên ngoài khi đi làm. Nhưng giờ đây thì hầu như ngày nào mình cũng đặt đồ ăn mới. Vào những ngày cuối tuần, nhóm 4 người chúng mình cũng thường rủ nhau đi ăn ngoài, mỗi bữa tốn vài trăm ngàn đồng.
Cũng vì hợp khẩu vị ăn uống và các chủ đề nói chuyện nên chúng mình còn tính mở một kênh chuyên review đồ ăn. Tất nhiên là mọi kế hoạch hiện tại vẫn chỉ là bàn ra ‘cho vui’”, Khánh Linh nói.
Một trường hợp khác, Phương Thảo (26 tuổi, Hà Nội) cũng khó kiểm soát tài chính so với trước đây khi bị cuốn vào vòng xoay mua hàng trên sàn thương mại điện tử theo lời rủ rê từ những người đồng nghiệp cùng phòng.
Cô nàng chia sẻ: “Ban đầu, mình chỉ đặt hàng cùng mọi người. Vì các chị đồng nghiệp thường hỏi cả phòng có muốn mua đồ cùng nhau không. Xong rồi dần sau đó, mình nghiện mua hàng trên các sàn thương mại điện tử lúc nào không hay. So với trước đây, mình tiêu nhiều hơn 3 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền mua hàng cùng đồng nghiệp và mua riêng một mình”.
Phương Thảo chia sẻ, trước kia, cô không phải người nghiện mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, sau khi được những đồng nghiệp hướng dẫn cách mua hàng thông minh như nên mua đồ ở cửa hàng nào, cách săn sale ra sao, mua bán trên livestream để có deal hời thế nào… cô nàng đã dần trở nên nghiện mua sắm online. Bên cạnh đó, Phương Thảo cũng cho rằng, khi đi làm, nhìn thấy những đồng nghiệp có gu ăn mặc và biết cách chăm chút cho bản thân thì tự mình cũng gia tăng chi tiêu để bằng bạn bằng bè.
Ảnh minh họa |
Từ chối trước những lời rủ rê của đồng nghiệp như thế nào?
Với Khánh Linh, cô nàng khó từ chối trước những lời mời đi ăn uống cùng đồng nghiệp. Một phần vì tâm lý “nể tình chị em”, phần khác là chính Khánh Linh cũng thấy vui sau khi được ăn uống, nói chuyện cùng mọi người. Tuy nhiên, sau khi tự nhận bản thân có xu hướng tăng cân nhưng hết tiền khi ở cùng đồng nghiệp, Khánh Linh đã cố gắng hạn chế ăn uống.
“Ban đầu, khi mình nói lời từ chối ăn ngoài thì mọi người cũng trêu nhưng phần lớn đều tôn trọng quyết định. Sau đó tầm 1 tháng, mình và các đồng nghiệp cũng dần chi tiêu có kiểm soát hơn, bởi vừa là thời điểm kinh tế khó khăn mà cũng là để tiết kiệm tiền”, cô nàng bày tỏ.
Trong khi đó, Phương Thảo rút ra một bài học là cần lập một ngân sách cho mua hàng online, từ đó sẽ không bị kéo vào làn sóng chi tiêu vô tội vạ cùng với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, cô cho rằng có một hội nhóm đồng nghiệp “sành mua” không hoàn toàn chỉ khiến mình chi tiêu hoang phí, nếu bạn biết kiểm soát tài chính đúng cách.
“Như đã nói, các chị đồng nghiệp của mình là người biết chọn đồ. Họ không chỉ mua được nhiều đồ đẹp mà còn chất lượng. Bên cạnh đó, nhờ đồng nghiệp mình cũng biết nhiều tips mua hàng giảm giá và săn sale, chẳng hạn như mua gói bột giặt 40 ngàn đồng, chiếc áo 39 ngàn đồng rất ổn… trên các sàn vào mùa sale đến. Có thể nói, nhờ đồng nghiệp mình cũng tiết kiệm được nhiều tiền, trong trường hợp không bội chi mua vào những món đồ không cần thiết”, Phương Thảo nói.
Không ghi chép các khoản chi, cô gái 25 tuổi vẫn quản lý chi tiêu hiệu quả: Bí quyết chỉ gói gọn trong 2 từ!
Ngọc Mai đã tìm ra cách của riêng mình để quản lý chi tiêu hiệu quả, không tốn nhiều công sức và thời gian.