Ngày 23/10/2023, Brielle - Một GenZ người Mỹ đã đăng tải lên kênh TikTok cá nhân một video cô vừa khóc, vừa kể về cú shock sau khi tốt nghiệp đại học và tham gia vào thị trường lao động. Brielle đã tìm được một công việc "9-to-5" đúng nghĩa. Tuy nhiên chỉ sau vài tháng làm việc, cô bắt đầu cảm thấy không ổn.
"Tôi không có thời gian để làm bất cứ điều gì sau khi từ công ty trở về nhà. Tôi muốn tắm, ăn tối và đi ngủ nhưng tôi thậm chí không có thời gian và sức lực để nấu bữa tối. Tôi cũng không có thời gian tập thể dục. Cảm giác như thể cuộc sống của tôi đã biến mất đi đâu rồi ấy" - Brielle vừa khóc vừa kể.
Brielle trong video than khóc về sự bế tắc tuyệt vọng sau khi đi làm |
Hiện tại, video này của Brielle đã có 6 triệu lượt xem, 28.500 lượt bình luận và 30.300 lượt repost. Phần lớn mọi bình luận đều cùng quan điểm và cảm nhận với Brielle. Điều này cho thấy có một bộ phận không nhỏ các GenZ đang vật lộn với tìm điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Những con số biết nói về thực trạng GenZ chán ngấy việc đi làm văn phòng
Kết quả cuộc khảo sát mới được công bố vào ngày 24/2/2024 do Credit Karma thực hiện cho thấy:
- 60% GenZ thừa nhận họ cảm thấy chán ngán và tuyệt vọng với việc phải đi làm từ 9h sáng đến 5h chiều (hoặc muộn hơn thế).
- 36% GenZ đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường công sở.
- 26% Gen Z cho biết họ được truyền động lực bởi chia sẻ trên MXH của những người đã bỏ việc công sở thành công.
Sự chán nản của GenZ với những công việc quy định thời gian làm việc cụ thể, buộc họ phải có mặt ở công ty, đến từ nhiều yếu tố.
Yếu tố đầu tiên: Những người lao động trẻ không mấy hài lòng với mức lương của họ, đặc biệt là sau hơn 1 năm làm việc tại nhà trong thời kỳ dịch bệnh. Việc phải di chuyển tới công ty mỗi ngày khiến GenZ tốn một khoản tiền cho chi phí đi lại, trang phục, make-up còn mức lương lại chẳng hề nhích lên dù chỉ 1 đồng. Điều này khiến họ khá bất mãn.
Trong vấn đề lương thưởng, GenZ là nữ giới có mức độ bất mãn cao hơn 13% so với GenZ là nam giới.
Ảnh minh họa |
Yếu tố thứ hai: Những người không cảm thấy bất mãn về chuyện lương thưởng thì lại cảm thấy tuyệt vọng vì không tìm được điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Gần một nửa số người trong độ tuổi từ 18- 27 tham gia khảo sát cho biết: Giờ làm việc "truyền thống" có hại cho sức khỏe tinh thần của họ, khiến họ không có đủ thời gian và cả sức lực cho những hoạt động khác.
Yếu tố cuối cùng: Chính là MXH. Kể từ khi video TikTok của Brielle lên xu hướng, đã có một làn sóng nội dung tương tự nổi lên trên MXH này, để phản đối thời gian làm việc của phần lớn các công ty, tập đoàn. Những GenZ chán nản, bất mãn với giờ làm việc truyền thống đã quay lại cảnh bản thân từ chối tham gia các cuộc họp ngoài giờ để dành thời gian tập thể dục. Họ cũng chẳng ngại việc ghi lại khoảnh khắc mình bị sa thải.
Chi tiêu dè sẻn, sống tiết kiệm: Cách GenZ đang làm để có thể nhanh chóng kết thúc đời sống "9-to-5"
GenZ vốn là nhóm người tiêu dùng luôn phải hứng chịu định kiến "chi tiêu bốc đồng", "đốt tiền như rác vào những thú vui vô bổ",... Nhưng giờ đây, mọi chuyện có vẻ đã khác.
Cuộc khảo sát của Credit Karma cho thấy 43% GenZ đã và đang thực hành lối sống tiết kiệm tối đa (không mua sắm, không ăn hàng) để nhanh chóng thoát khỏi cuộc sống công sở. Đồng thời, họ tăng cường nhận thêm những công việc từ xa để đa dạng hóa nguồn thu nhập.
Thậm chí, 1/4 số thanh niên được khảo sát sẵn sàng từ bỏ cột mốc trưởng thành là sống tự lập và chuyển về sống cùng gia đình để cắt giảm chi phí sinh hoạt.
Courtney Alev - Chuyên gia phân tích tài chính tiêu dùng tại Credit Karma cho biết các nhà tuyển dụng là đối tượng sẽ phải thích nghi và thay đổi nếu muốn giữ chân lực lượng lao động là người trẻ, cụ thể hơn là GenZ vì vào năm 2025, thế hệ này sẽ chiếm hơn 1/4 lực lượng lao động.
Alev cho biết thêm: "Điều đó không có nghĩa là các công ty nên đáp ứng tất cả những kỳ vọng mà thế hệ người lao động GenZ mong muốn. Vấn đề quan trọng nhất là không nên hiểu sai những ưu tiên của GenZ trong vấn đề sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Họ có quyền quan tâm đến sức khỏe của mình và điều đó thì chưa bao giờ đồng nghĩa với tính thiếu chuyên nghiệp hay vô trách nhiệm trong công việc".
Theo Fortune
Hội GenZ có khát vọng làm giàu tranh cãi kịch liệt trước quan điểm “Còn trẻ thì không nên chơi chứng khoán”
Trên kênh TikTok 389.800 người theo dõi của mình, Huy Đào khẳng định chắc nịch: “Càng còn trẻ, càng không nên chơi chứng khoán”.