Luật Phòng, chống tác hại của bia rượu bắt đầu thực thi từ ngày 1/1/2020 được dự đoán sẽ góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển giao thông sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vẫn còn tỏ ra coi nhẹ hình phạt, phớt lờ các quy định.
Sau khi Luật này được áp dụng, tại Hà Nội, nhiều quán bia rượu cũng giảm tương đối khách vào nhậu, mặc dù vậy một số thực khách sau khi ra khỏi quán vẫn ung dung điều khiển xe để tham gia giao thông. Một vài người đi trong trạng thái không vững nhưng vẫn tiếp tục lái xe, thậm chí là đi ngược chiều.
Ảnh minh họa. |
Không chỉ ở Hà Nội, tại TPHCM vào đêm 1/1/2020 rất nhiều điểm tụ tập nhậu nhẹt còn khá đông khách dù đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Nhiều khách vẫn nâng ly chúc tụng và ra về lái xe trong tình trạng say khướt.
Bên cạnh các trường hợp chống đối hay tiếp tục bán bia rượu bất chấp khách uống bao nhiêu tùy thích thì cũng có một vài chủ nhà hàng cũng đã nhắc nhở khách hàng. Cửa hàng còn mở thêm một chỗ để xe cho khách say gửi lại, các nhân viên cũng được hướng dẫn hỗ trợ khách bắt xe đảm bảo an toàn cho việc đi lại.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định rõ các lỗi vi phạm giao thông đường bộ như: Nồng độ cồn vượt mức cho phép, sử dụng ma tuý, đi không đúng phần đường, đi ngược chiều của đường một chiều hoặc trên đường có biển cấm, không chấp hành hiệu lệnh, chuyển hướng không đúng quy định, vi phạm quy định về tốc độ, vượt xe không đúng quy định,… sẽ bị tăng mức phạt tiền gấp nhiều lần so với trước đây.
Mức xử phạt cao nhất với các trường hợp có nồng độ cồn là: phạt 30 - 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng với người lái xe ô tô; phạt 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển mô tô; phạt 400.000 - 600.000 đồng với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn cũng như sử dụng chất kích thích. Đồng thời sẽ tập trung lực lượng và các thiết bị kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan xử lý vi phạm nồng độ cồn để đảm bảo hiệu lực của Luật phòng chống tác hại rượu bia phát huy tác dụng, đồng thời nâng cao ý thức cho người dân.
Bên cạnh đó, ông Nhật cho rằng cần hoàn thiện thể chế kết nối xử lý vi phạm giao thông cùng các vi phạm khác, trong tình hình hiện nay, việc cấm bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông là điều hết sức cần thiết.
Theo Trung tá Vũ Hồng Ánh, Phó Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông cao tốc số 1 cho biết, việc kiểm soát chặt chẽ tình trạng sử dụng bia rượu là nhiệm vụ hằng ngày, vì vậy đội luôn quán triệt xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Không khí ở Hà Nội tiếp tục bị ô nhiễm, tại TPHCM đã được cải thiện
Theo các chỉ số đo được, chất lượng không khí tại Hà Nội trong những ngày đầu năm tiếp tục ở ngưỡng xấu còn tại TPHCM đã trong lành hơn.