Theo đó, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn, Sở thông tin Truyền thông cho biết một số quận huyện kiểm soát được dịch sẽ thí điểm thẻ xanh trong thời gian tới.
Cụ thể tiêu chí phát hành thẻ xanh được quy định bởi Sở Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP HCM như: thông tin tiêm chủng vaccine, các yếu tố dịch tễ, xét nghiệm kháng thể...
Theo dự thảo Kế hoạch phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM, thẻ xanh COVID-19 được cấp cho những người đã tiêm đủ 2 mũi đối với các loại vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi (Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...), mũi thứ 2 đã tiêm hơn 14 ngày.
Ngoài ra, thẻ xanh còn được cấp cho người tiêm loại vaccine chỉ cần một mũi (Johnson & Johnson's Janssen) sau 14 ngày; người nhiễm COVID-19 khỏi bệnh; người nhiễm COVID-19 tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh phải xét nghiệm chứng minh có kháng thể. Thẻ có giá trị trong 6 tháng.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, thẻ xanh COVID-19 là khái niệm chỉ một ứng dụng thể hiện các thông số an toàn trước dịch bệnh. Thời gian tới, thông qua thẻ xanh, thành phố sẽ quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động, sinh hoạt người dân dựa trên tiêu chí an toàn về phòng chống dịch.
Trước thực trạng người dân phải sử dụng quá nhiều ứng dụng liên quan kiểm soát COVID-19. Điều này gây bất tiện cho cả người dùng lẫn cơ quan chức năng. Thành phố có quan điểm sẽ gom chung vào một ứng dụng cho người dân tiện sử dụng.
Thành phố đã kiến nghị với các cơ quan Trung ương tích hợp đầy đủ các dữ liệu của người sử dụng về tiêm chủng vaccine, khai báo y tế, kết quả xét nghiệm và cả cấp mã QR cho phương tiện vận tải. Sau khi ứng dụng trên được Trung ương thông qua, TP HCM sẽ thí điểm tại một số địa bàn đã kiểm soát được dịch, đang từng bước mở lại các hoạt động như quận 7, Củ Chi và Cần Giờ.
Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến sáng 14/9, Việt Nam đã thực hiện được 30,4 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19. Trước đó, trong 5 ngày liên tiếp (từ 9-13/9), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm được thực hiện.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất (số mũi tiêm/số vaccine được cấp theo quyết định) là Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Phước, Vĩnh Long, Cà Mau, Kon Tum, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Lâm Đồng.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, trưa 13/9, thành phố này đã thực hiện được hơn 7,96 triệu mũi tiêm, trong đó 1,43 triệu người tiêm mũi 2 với các loại vaccine Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell của Sinopharm. Riêng vaccine Sinopharm đến nay trên địa bàn thành phố đã tiêm cho hơn 1,97 triệu người.