Theo thông tin từ gia đình nhà thơ Du Tử Lê, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng, vừa đột ngột qua đời ở Mỹ trong một giấc ngủ ngắn chỉ vừa 10 phút.
Nhà thơ Du Tử Lê |
Nhà thơ Du Tử Lê, tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam. Ông khởi sự làm thơ rất sớm, từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút hiệu khác nhau, bút hiệu Du Tử Lê được ông dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai.
Thơ của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước. Ông có thơ đăng trên nhật báo Los Angeles Times, 1983, và New York Times, 1994.
Du Tử Lê là một trong bảy nhà thơ miền Nam, được cố nhà văn Mai Thảo chọn là “Bảy Vì Sao Bắc Đẩu” của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam. Sáu người kia là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, và Tô Thùy Yên.
Thi phẩm đầu tiên của Du tử Lê xuất bản năm 1964. Sau tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” 2017; “Mẹ về Biển Đông” 2017; Tuyển tập thơ “Khúc Thụy Du,” xuất bản Tháng Sáu, 2018; Tuyển tập thơ “Trên Ngọn Tình Sầu” và truyện dài “Với nhau, một ngày nào” (in lần thứ ba), xuất bản Tháng Bảy, 2018.
Nếu không kể những tác phẩm được tái bản thì tuyển tập thơ “Trên Ngọn Tình Sầu” là tác phẩm thứ 73 của Du Tử Lê, tính đến Tháng Bảy, 2018.
Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Trong số đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với "Đêm nhớ trăng Sài Gòn", "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", "Quê hương là người đó" ("Xa nguồn yêu thương"), Trần Duy Đức với "Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời", "Em hiểu vì đâu chim gọi nhau", Nguyên Bích với "Hiến chương yêu", Đăng Khánh với "K. khúc của Lê", Anh Bằng với "Khúc Thụy Du", Phạm Duy với "Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau", Hoàng Quốc Bảo với "Người về như bụi", Từ Công Phụng với "Trên ngọn tình sầu"... Từ những ca khúc này, ông đã tuyển chọn để thực hiện 3 CD K Khúc của Lê năm 2001.
"Tôi quan niệm, mỗi cá nhân trước khi sinh ra đã được Thượng đế chọn trước một nghề nghiệp hay công việc thích hợp. Điều mà chúng ta gọi một cách nôm na là năng khiếu hay "cái khiếu". Cá nhân, tôi nghĩ tôi sống sót được tới ngày hôm nay nhờ tình yêu văn chương. Trước đây khi còn ở trên quê hương, tôi không thấy văn chương thực sự "cứu rỗi" tôi như những năm tháng tôi luân lạc xứ người... Vì thế, tôi tự nhủ, hãy viết, cứ viết cho tới ngày nào sức khỏe, khả năng không còn cho phép". - Nhà thơ Du Tử Lê từng chia sẻ.
Cũng như nhiều thi sĩ trong thời đại mình, thơ ông còn là phóng chiếu một giai đoạn đầy xáo trộn trong đời sống văn hóa của người Việt.
Xuân Quỳnh và những vần thơ viết cho phái nữ
Dù ở góc nhìn nào, không gian nào, Xuân Quỳnh vẫn luôn dành cho phái nữ một tình cảm yêu thương, trân trọng