Thị trường tiền ảo rất có thể sẽ phải đối mặt với một điều tồi tệ hơn cả thị trường gấu (ám chỉ giai đoạn downtrend) trong thời gian sắp tới.
Khối lượng giao dịch luôn ở mức thấp cùng diễn biến ảm đạm báo hiệu sự trở lại của “mùa đông tiền ảo”. Đến tận cuối năm 2020 thị trường mới dần ổn định và Bitcoin mới bắt đầu lập đỉnh mới vào tháng 12/2021.
Những ký ức về năm 2018 đang dấy lên những lo ngại về tình hình hiện tại của thị trường. Đến nay, giá trị đồng tiền số lớn nhất thế giới Bitcoin đã bốc hơi hơn 50% kể từ mức đỉnh sát 69.000 USD/đồng hồi tháng 11, được giao dịch quanh mốc 34.000 USD/đồng.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo cũng đã giảm hơn 1.000 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng đây là “cái giá phải trả” khi giới đầu tư tiếp tục đặt niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra những chính sách thúc đẩy tài sản rủi ro.
Những động thái của Fed thời gian qua đã ảnh hưởng đến mọi phương diện của tiền mã hóa, từ Bitcoin, meme coin cho đến các sàn giao dịch. Theo hãng phân tích UBS, thị trường tiền mã hóa sẽ còn hứng chịu thiệt hại lớn hơn nữa trong nhiều tháng.
“Sự kiện 2018 là ví dụ mô tả tiêu biểu nhất cho khái niệm ‘mùa đông tiền mã hóa’. Đây là giai đoạn khó khăn và có diễn ra trong dài hạn”, James Malcolm, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại UBS, nhận định. “Khác với những mùa đông bình thường, nó đã kéo dài cả năm”.
Những thuật ngữ “mùa đông tiền mã hóa” hay “kỷ băng hà tiền mã hóa” bắt đầu xuất hiện liên tục trên phương tiện truyền thông xã hội. Theo Antoni Trenchev, nhà đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Nexo, Bitcoin đã thỏa mãn một nửa định nghĩa về “mùa đông tiền mã hóa” sau đợt sụt giảm mạnh gần đây.
“Tôi không hề muốn quay lại mùa đông lần trước. Nhưng dù sao cũng không thể phủ nhận rằng những khó khăn về quy định và vĩ mô có thể kéo giá Bitcoin xuống 28.000-30.000 USD/đồng”, Trenchev nhận xét.
Khác với 3 năm trước, lĩnh vực tiền mã hóa đang vẫn đón nhận dòng tiền đầu tư khổng lồ. Ngay trong tháng đầu tiên của năm, sàn giao dịch tiền mã hóa FTX đã công bố quỹ mạo hiểm trị giá 2 tỷ USD cho mảng Web3. Trong khi đó, Financial Times cho biết Andreessen Horowitz đang huy động 4,5 tỷ USD cho các quỹ tiền mã hóa.
Ngoài đầu tư mạo hiểm, các công ty như Walmart, GameStop cũng đang tìm cách đa dạng lĩnh vực trong hệ sinh thái tiền mã hóa như token và NFT.
Ông Budd White, lãnh đạo một công ty xây dựng phần mềm dựa trên blockchain cho biết: “Động lực phát triển của thị trường cho thấy tiền mã hóa đang trong giai đoạn định giá lại chứ không phải đóng băng”.
Thị trường tiền mã hóa vẫn đối mặt với nhiều rủi ro khi Fed và các chính phủ nước ngoài xem xét chính sách phát hành đồng tiền dollar kỹ thuật số. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ và các chính phủ nước ngoài đang theo dõi hoạt động sử dụng năng lượng cho khai thác tiền mã hóa.
“Nhà Trắng có thể sớm đưa ra những thách thức an ninh quốc gia do tiền mã hóa gây ra. Báo cáo của Fed về CBDC của ngân hàng trung ương cũng không trả lời bất cứ câu hỏi nào về sự tương đồng với một stablecoin”, nhà phân tích Edward Moya từ Oanda cho biết.
Theo Bloomberg