Thị trường tiêu được dự báo không mấy khả quan trong thời gian tới?

Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương dẫn dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và chính sách "Zezo Covid" của Trung Quốc.

Hiện vụ thu hoạch hạt tiêu tại Indonesia và Trung Quốc gần kết thúc. Sản lượng hạt tiêu đen của Indonesia tương đương năm 2021, nhưng sản lượng hạt tiêu trắng dự kiến thấp hơn khoảng 15%. Sang tháng 9, vụ thu hoạch hạt tiêu ở Brazil vào cao điểm, năng suất dự kiến tương đương năm ngoái. Các nhà xuất khẩu Brazil đang đẩy mạnh bán hàng tồn để chuẩn bị cho đợt hàng vụ mới. Thực tế vài tháng gần đây, lượng hạt tiêu Brazil bán ra thị trường nhiều hơn với giá rẻ. Cùng với giá logicstic hợp lý, hạt tiêu Brazil đang chiếm ưu thế trên nhiều thị trường, nhất là tại châu Mỹ. Trong khi đó, sau một thời gian dài ngừng hoạt động, các thương nhân Trung Quốc cũng đã trở lại thu mua tại Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên, sức mua vẫn còn hạn chế và nhu cầu của các khu vực khác như Hoa Kỳ, EU không tăng.

Dự báo giá hồ tiêu không mấy lạc quan - Ảnh 1.

Tháng 8/2022, giá hạt tiêu nội địa giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm.

Tháng 8/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu biến động không đồng nhất tại các nước sản xuất trên thế giới, tăng tại In-đô-nê-xi-a và Ấn Độ, ổn định tại Malaysia, nhưng giảm tại Việt Nam và Brazil.

Trong nước, theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280.000 – 290.000 tấn (bao gồm 175.000 tấn sản lượng; 40.000 tấn nhập khẩu và 80.000 tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang). Tháng 8/2022, giá hạt tiêu nội địa giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhất là ở các nước tiêu thụ hạt tiêu lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Ngày 29/8/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 5.000 – 5.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/7/2022, xuống mức 66.500 – 70.0000 đồng/kg; Giá hạt tiêu trắng ở mức 105 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022 và thấp hơn so với mức 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Theo ước tính, tháng 8/2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 18.000 tấn, trị giá 72 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng 7/2022. So với tháng 8/2021 tăng 3,0% về lượng và tăng 9,3% về trị giá.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 161.000 tấn, trị giá 712 triệu USD, giảm 18,8% về lượng, nhưng tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam tháng 8/2022 ước đạt mức 4.003 USD/tấn, giảm 5,0% so với tháng 7/2022, nhưng tăng 6,1% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.434 USD/tấn, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ đầu tháng 8/2022, thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Đông có dấu hiệu chuyển dịch nguồn cung sang Brazil để mua hàng vụ mới do chi phí Logistics và giá cả thấp hơn. Các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với các nhà xuất khẩu Việt Nam đến cuối năm nay. Trong khi đó, sức mua từ thị trường Trung Quốc yếu. Do đó, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa khó có thể tăng trở lại trong ngắn hạn

Đ. KHẢI