Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn cho Phần Lan gia nhập NATO

Các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ủng hộ việc quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh quân sự, sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan kết thúc nhiều tháng đàm phán và ủng hộ tư cách thành viên của Phần Lan.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan hôm thứ Năm (30/3). Với việc phê chuẩn này, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nước cuối cùng trong số 30 quốc gia thành viên NATO ủng hộ việc Phần Lan gia nhập vào liên minh quân sự này.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý cho Phần Lan gia nhập NATO vào đầu tháng này sau nhiều tháng đàm phán.

Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn cho Phần Lan gia nhập NATO - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 17 tháng 3.

Nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền Akif Cagatay Kilic cho biết ngay trước cuộc bỏ phiếu: "Tối nay, chúng tôi đang giữ lời hứa với Phần Lan. Các nhà lập pháp nhất trí bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập của quốc gia Bắc Âu".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh việc phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng nó sẽ làm cho liên minh quân sự này "mạnh hơn và an toàn hơn".

Phần Lan, nước có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, hiện chỉ còn một vài thủ tục nữa là trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Các quan chức hy vọng quá trình này sẽ được hoàn tất sớm nhất là vào tuần tới.

Con đường đến NATO của Phần Lan

Lo sợ rằng họ sẽ là mục tiêu tiếp theo sau cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraina vào năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ quan điểm truyền thống về không liên kết quân sự và nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 năm 2022.

Việc thừa nhận một quốc gia mới gia nhập đòi hỏi sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên.

Việc gia nhập của Thụy Điển vẫn đang bị đình trệ do yêu cầu của Tổng thống Erdogan để giải quyết một số vấn đề liên quan đến an ninh.

Hungary đã chấp thuận đề nghị gia nhập NATO của Phần Lan vào tuần trước nhưng cuộc bỏ phiếu về Thụy Điển vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự của quốc hội.

Người phát ngôn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm thứ Tư kêu gọi Thụy Điển "làm sáng tỏ" và giải quyết "rất nhiều bất bình" để quốc hội phê chuẩn đề xuất của họ.

Thụy Điển vẫn 'hy vọng'

Mới tuần trước, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đã nói rằng "không cần phải nói" rằng đất nước của ông sẽ trở thành thành viên vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng Bảy.

Nhưng vào thứ Năm, ông nói với hãng thông tấn quốc gia Thụy Điển rằng ông đã ghi nhận những nhận xét gần đây của Budapest và phải thay đổi lời nói của mình.

"Tôi nghĩ 'hy vọng' trong bối cảnh này là tốt hơn", ông nói thêm.

(AFP, dpa)

PV