Thủ đoạn nâng giá robot từ 7 tỷ lên 39 tỷ đồng của cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Trong vụ án, cơ quan điều tra đánh giá bị can Quốc Anh có vai trò chính. Các bị can còn lại giúp sức cho cựu giám đốc bệnh viện.

Bộ Công an vừa đưa ra kết luận điều tra vừa ban hành, xác định nhóm lợi ích ở Bệnh viện Bạch Mai và doanh nghiệp gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ cho người bệnh. Bộ Công an đề nghị truy tố ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc đơn vị này) cùng 6 bị can khác về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhiều đề án xã hội hóa liên doanh, liên kết hoặc góp vốn với doanh nghiệp để đặt trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Ông Nguyễn Quốc Anh sau khi được bổ nhiệm vị trí giám đốc đã đặt mục tiêu phát triển ngoại khoa để thu hút bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Đức và các cơ sở y tế khác về điều trị nhằm phát triển thương hiệu cho cơ sở Bạch Mai và tăng thu nhập.

Bị can Nguyễn Quốc Anh (trái) và Nguyễn Ngọc Hiền. Ảnh: Bộ Công an.
Bị can Nguyễn Quốc Anh (trái) và Nguyễn Ngọc Hiền. Ảnh: Bộ Công an.

Ông Quốc Anh đã cho thành lập các khoa ngoại chuyên sâu, kêu gọi một số bác sĩ ngoại khoa có chuyên môn từ Bệnh viện Việt Đức về giữ các chức vụ trong Bệnh viện Bạch Mai.

Năm 2016, Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS) chủ động đến gặp ông Nguyễn Quốc Anh cho biết doanh nghiệp này là đơn vị phân phối robot phẫu thuật và đề nghị cung cấp robot Rosa với giá 39 tỷ và robot Mako giá 44 tỷ đồng. Ông Quốc Anh không đồng ý mua trực tiếp mà đề nghị lập đề án liên kết đặt máy trong bệnh viện và yêu cầu được quyết định. Giá máy móc chỉ cần có chứng thư nhằm hợp thức hóa, Công ty BMS có trách nhiệm tìm đơn vị thẩm định giá.

Sau khi thống nhất, Tuấn đưa ra điều kiện giá robot phải do BMS đưa ra. Ông Quốc Anh đồng ý với đối tác, không thông qua Đảng ủy, Ban giám đốc và Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai. Sau dó chỉ đạo Nguyễn Ngọc Hiền và cấp dưới lựa chọn Công ty BMS là đối tác đặt máy móc.

Để hợp thức thủ tục, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Trần Lê Hoàng (thẩm định viên) để thỏa thuận cấp chứng thư giá robot Rosa là 39 tỷ và robot Mako 44 tỷ. Đồng thời, Tuấn chỉ đạo Ngô Thị Thu Huyền (Phó giám đốc Công ty BMS) liên hệ Phòng Tài chính của bệnh viện để hoàn tất thủ tục.

Theo cơ quan điều tra, Tuấn chỉ đạo cung cấp hồ sơ nhập khẩu robot nhưng xóa giá trị trên tờ khai hải quan trước khi giao dịch với phía bệnh viện. Tuấn cũng thừa nhận giá của thiết bị này trên thực tế chỉ hơn 7 tỷ nhưng được 2 bên hoàn tất thủ thục với giá lên đến 39 tỷ. Tức là mỗi bệnh nhân chỉ cần thanh toán hơn 6,6 triệu tiền phẫu thuật bằng robot. Tuy nhiên, bệnh viện thu hơn 23 triệu đồng mỗi ca, qua đó hưởng chênh lệch 16,5 triệu trên mỗi bệnh nhân.

Trong vụ án, bệnh viện đã sử dụng robot phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu về gần 23 tỷ. Như vậy, Bệnh viện Bạch Mai thanh toán trái quy định cho Công ty BMS liên quan 551 ca bệnh, tương đương số tiền hơn 9 tỷ đồng. Bệnh viện giải thích nếu phẫu thuật thông thường, không có robot hỗ trợ thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần. Còn với robot thì hi phí cao hơn khoảng 100 triệu nhưng sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn và phục hồi nhanh

Bị can Quốc Anh thừa nhận sau vụ câu kết với Công ty BMS, ông ta nhiều lần nhận 100 triệu đồng và 10.000 USD từ Phạm Đức Tuấn.

Hai bị can khác tham gia hợp thức thủ tục liên danh, liên kết trái quy định là Nguyễn Ngọc Hiền hưởng 150 triệu, Trịnh Thị Thuận (cựu Kế toán trưởng bệnh viện) nhận 50 triệu.

Làm việc với cảnh sát, bệnh nhân biết việc bệnh viện liên kết đặt robot trái quy định nhằm nâng khống giá nên ọ đề nghị được nhận lại số tiền đã bị thu chênh lệch.

Thanh Mai