Vụ thị trường trong nước đã phối hợp với địa phương xác minh tình trạng hoạt động kinh doanh của hai thương nhân phân phối xăng dầu là Công ty CP Thương mại xăng dầu, dầu khí Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Phú tại tỉnh Hải Dương và đã thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp này, theo Zing.
"Theo các doanh nghiệp báo cáo trong công văn trả lại giấy phép là do kinh doanh thua lỗ, khó khăn tài chính không duy trì được hệ thống và hoạt động kinh doanh", đại diện Vụ Thị trường trong nước nói.
Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 330 thương nhân phân phối xăng dầu. Về cơ bản, các thương nhân đều hoạt động bình thường, thực hiện gửi các báo cáo định kỳ về Bộ Công Thương để giám sát, theo dõi.
Theo quy định, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc để cùng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng hàng hóa cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở các địa bàn trên cả nước.
Danh sách thương nhân phân phối Bộ Công Thương vẫn đang theo dõi và quản lý, tuy nhiên, theo quy định hiện hành không có quy định về việc đăng tải danh sách các thương nhân này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp các đơn vị chức năng cần cung cấp thông tin, Bộ Công Thương sẵn sàng cung cấp danh sách cụ thể của các thương nhân phân phối theo quy định.
"Việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu với các điều kiện theo quy định về phương tiện vận tải, kho chứa xăng dầu, phòng kiểm nghiệm xăng dầu, hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý... với quyền về nguồn hàng linh hoạt hơn đại lý bán lẻ đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước", Bộ Công Thương đánh giá.
Hơn một tuần qua, TP.HCM và các tỉnh phía Nam chứng kiến "cơn sốt" xăng dầu nghiêm trọng khi hàng loạt cửa hàng đóng cửa, người dân chật vật tìm đủ cách mua xăng.
Ngày 5/10, một hệ thống phân phối xăng dầu với hơn 50 cây xăng ở TP.HCM vội vàng gửi văn bản lên Sở Công Thương vì cạn kiệt nguồn cung trong khi đơn vị đầu mối đã ngừng cung cấp hàng. Thậm chí, đại diện 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phía Nam phải gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng về những bất cập trong điều hành.
Đỉnh điểm đến ngày 8-9-10/10, 137 cửa hàng tại TP.HCM đóng cửa, nhiều cây xăng chỉ bán tối đa 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ôtô. Hàng loạt cửa hàng tại khu vực phía Nam buộc tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung trầm trọng.
Đến ngày 13/10, TP.HCM và một số tỉnh thành khu vực phía Nam đã không còn cảnh chen chúc, xếp hàng dài chờ mua xăng dầu như những ngày trước. Nhiều cây xăng đã hoạt động trở lại, tình hình cung ứng đã trở lại bình thường.
Đến nay, tình hình nguồn cung xăng dầu tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã ổn định hơn nhưng một số khu vực vẫn gặp khó khăn. Ghi nhận của Zing vào ngày 18/10, một số cây xăng tại quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn), đường Nguyễn Oanh và Phan Văn Trị (Gò Vấp), đường Ung Văn Khiêm vẫn còn tình trạng treo biển "hết xăng" hoặc tạm ngưng bán để nhập hàng.
Ngoài những khu vực nói trên, các cây xăng ở quận 7, quận 4, quận 5, quận 3, quận Tân Bình đều hoạt động bình thường, không còn cảnh xếp hàng hay bán giới hạn số lượng.
"Cơn sốt" thiếu xăng dầu đã hạ nhiệt, nhưng liệu tình trạng này có xảy ra một lần nữa nếu các doanh nghiệp đầu mối than lỗ, tiếp tục hạn chế nhập khẩu? Bộ Công Thương thừa nhận hiện nay dù đã được điều chỉnh từ 11/10 nhưng chi phí tiếp tục tăng rất mạnh, theo đó Bộ sẽ tiếp tục tính toán với Bộ Tài chính tăng chi phí cơ sở cho các doanh nghiệp đầu mối thuận lợi nhập khẩu xăng dầu.
(Tổng hợp)