Thủ tướng Shinzo Abe từ chức khi chính sách phục hồi kinh tế Nhật Bản thất bại?

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe từ nhiệm khi đại dịch COVID-19 đã cuốn đi phần nhiều thành tựu trong chính sách phục hồi kinh tế Nhật Bản “Abenomics” của ông.

Sau khi trở lại làm Thủ tướng vào tháng 12/2012, ông Shinzo Abe thường nói về việc đưa nền kinh tế Nhật Bản đạt được "bước khởi đầu như tên lửa”. Nhưng Asian Nikkei Review cho rằng chiến dịch tái cấu trúc thúc đẩy tăng trưởng, được gọi là “Abenomics”, đã thất bại trong nửa sau nhiệm kỳ kỷ lục của ông.

"Chiến lược tái sinh Nhật Bản" do chính phủ của ông ban hành vào tháng 6/2013, đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng: GDP danh nghĩa tăng trung bình hàng năm 3% và GDP thực tế có điều chỉnh lạm phát tăng 2% trong 10 năm tiếp theo.

Nhưng trong khi GDP thực tế của Nhật Bản chỉ tăng 2,6% trong năm tài chính 2013, thì con số này đã bị thu hẹp trong năm tài chính 2014, phần lớn là do việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4 năm đó. Tăng trưởng không đạt 2% trở lại, chỉ đạt 0,3% trong năm tài chính 2018, và bằng không trong năm tài chính 2019.

Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm tài chính này, do đại dịch.

Ông Shinzo Abe từng kêu gọi các nhà đầu tư ở sàn NYSE đến Nhật Bản, vì chính sách Abenomics của ông. Ảnh: ANR
Ông Shinzo Abe từng kêu gọi các nhà đầu tư ở sàn NYSE đến Nhật Bản, vì chính sách Abenomics của ông. Ảnh: ANR

Chính phủ của Thủ tướng Abe đã tìm cách tăng GDP danh nghĩa lên 600.000 tỷ yên (5,7 nghìn tỷ USD) vào khoảng năm 2020, nhưng mục tiêu đó hiện đã vượt quá tầm với. GDP hàng quý đạt đỉnh 557.000 tỷ yên trong quý III/2019, tiếp theo là quý cuối năm tăng trưởng âm, sau khi thuế tiêu dùng được tăng trở lại vào tháng 10. 

COVID-19 đã làm tăng thêm khó khăn trong việc kích thích sự phát triển trở lại của nền kinh tế.

Quý II/2020, GDP Nhật Bản đạt 506.000 tỷ yên, cao hơn không xa mức 492.000 tỷ yên được ghi nhận trong ba tháng cuối năm 2012.

Lạm phát vẫn ở mức thấp, bất chấp những nỗ lực của Abe trong việc chống lại tình trạng giảm phát nhiều năm ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Chính phủ đã đưa ra một tuyên bố với Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda vào tháng 1/2013, đặt mục tiêu "ổn định giá cả" là 2%. Nhưng mục tiêu đó chỉ đạt được vào năm 2014, năm ông Abe tăng thuế tiêu dùng đầu tiên. Tỷ giá hiện dao động quanh mức 0, một lần nữa làm dấy lên bóng ma giảm phát.

Thu nhập doanh nghiệp và việc làm được cải thiện trong nhiệm kỳ của ông Shinzo Abe. Tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức thấp lịch sử trong khoảng 2%, thấp hơn vào cuối năm 2019, giảm từ mức 4,3% vào tháng 12/2012.

Nhưng sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản đã kết thúc vào tháng 10/2018, sau 71 tháng. Tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên, ở mức 2,8% trong tháng 6/2020. Suy thoái diễn ra vào thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và đè nặng lên nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản.

Trong khi Thủ tướng Nhật thường nói về thành công của mình trong việc phục hồi kinh tế do nhu cầu trong nước, Asian Nikkei Review cho rằng chính sách “Abenomics” của ông đã thất bại trong việc thay đổi sự phụ thuộc lâu dài của đất nước vào xuất khẩu.

Một trong những thành công của ông Abe là thúc đẩy du lịch nước ngoài, thông qua các bước như nới lỏng các yêu cầu về thị thực. Điều đó đã thúc đẩy lượng khách và chi tiêu tăng vọt. Nhưng những thành công này cũng đã bị xóa sổ bởi đại dịch COVID-19, số lượng du khách nước ngoài giảm xuống dưới 10.000 người mỗi tháng.

Du lịch Nhật Bản đã được phục hồi nhưng bị COVID-19 xoá sổ. Ảnh: Akira Kodaka
Du lịch Nhật Bản đã được phục hồi nhưng bị COVID-19 xoá sổ. Ảnh: Akira Kodaka

Chính phủ của Thủ tướng Abe đã đưa ra nhiều chính sách khác nhau để giải quyết các nguyên nhân khiến nhu cầu nội địa chậm chạp, bao gồm dân số đang già hóa, tỷ lệ sinh thấp và tăng trưởng năng suất yếu. Nhưng dữ liệu thống kê cho thấy chúng đã không mang lại hiệu quả cao.

Nhật Bản cũng thúc đẩy kinh tế ở nhiều khu vực, nhằm mục đích chấm dứt sự tập trung ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp ở Tokyo. Mục tiêu là giảm dòng vốn ròng vào vùng thủ đô xuống 0 vào năm 2020. Nhưng dân số hàng năm ở vùng này vẫn tăng dưới thời Abe, từ 67.209 người vào năm 2012 lên 145.576 người vào năm 2019.

Số ca sinh tiếp tục giảm, mặc dù ông Abe nhấn mạnh đến việc hỗ trợ các gia đình nuôi dạy trẻ. Tổng tỷ suất sinh, tức số con mà một phụ nữ sinh trong đời, đạt mức cao nhất là 1,45 vào năm 2015, nhỉnh hơn con số 1,41 của năm 2012, sau đó giảm trong bốn năm liên tiếp xuống 1,36 vào năm 2019.

Trong một bài phát biểu tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York vào tháng 9/2013, ông Abe kêu gọi các nhà đầu tư "mua Abenomics của tôi”. Nhưng nhiều người nghi ngờ về kết quả của chính sách này. 

Nhật Bản đứng thứ 18 trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trong cuộc khảo sát mức độ dễ dàng kinh doanh mới nhất của Ngân hàng Thế giới. Asian Nikkei Review đang rất e ngại về mục tiêu lọt vào top 3 của chính phủ vào năm 2020.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương