Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 hôm nay,15/10, Thủ tướng đề nghị TP.HCM đặc biệt chú trọng công tác tổ chức và nhân sự, để sau Đại hội này “sẽ có một bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, biết làm, vì sự phát triển của thành phố mang tên Bác Hồ”.
Thủ tướng khẳng định Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng mang tính quyết định đối với tương lai, tầm nhìn, chiến lược phát triển của thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất, đầu tàu kinh tế của cả nước.
TP.HCM đóng góp trên 22% GDP và 27% ngân sách cả nước
Nhấn mạnh vai trò của TP.HCM với cả nước, Thủ tướng nêu rõ, 5 năm qua, kinh tế thành phố tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được nâng lên với những con số rất ấn tượng.
Bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng đạt 7,72%/năm, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước. Sản xuất nông nghiệp dịch chuyển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, năng suất cao gấp 3 lần bình quân cả nước.
Thành phố cũng là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước.
Thủ tướng khẳng định Trung ương lắng nghe, tạo mọi điều kiện để TP.HCM phát triển. Ảnh: VGP |
Diện mạo thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, là địa phương đi đầu triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, thành phố vẫn còn tồn tại, khuyết điểm. Trong đó, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế đặc biệt quan trọng của thành phố. Mức độ vượt trội về tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm dần. Động lực tăng trưởng mới của thành phố còn nằm trên định hướng, chưa định hình rõ nét. Khoa học công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển.
Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã trực tiếp làm việc với thành phố 8 lần, cùng tháo gỡ khó khăn, bất cập, để “con tàu” thành phố tiến nhanh hơn, mạnh, vững chắc hơn.
TP.HCM: Hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa không nơi nào có được
Thủ tướng đề nghị Đại hội tiếp tục thảo luận với tinh thần thẳng thắn, chân thành, đánh giá sâu sắc hơn những hạn chế, tồn tại. Vừa thực hiện những định hướng, nhiệm vụ mới nhưng cũng phải khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập hiện nay, để làm tốt hơn trong thời gian tới.
“Bộ Chính trị đánh giá cao thành phố đã đề ra mục tiêu, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, vì cả nước, cùng cả nước, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận hoa cảm ơn từ Đảng bộ TP.HCM. Ảnh: Zing |
Thủ tướng cho rằng TP.HCM có tiềm năng, lợi thế không nơi nào có được: thiên thời, địa lợi nhân hòa, hội tụ khá đầy đủ các yếu tố tạo động lực phát triển. Và tin tưởng các mục tiêu đặt ra có tính khả thi cao, hoàn toàn có khả năng đạt được, đặc biệt là với tinh thần “cả nước vì thành phố, thành phố vì cả nước” và sự nỗ lực, khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Thủ tướng cũng đánh giá cao TP.HCM đã cụ thể hóa các mục tiêu, đề ra 4 chương trình phát triển giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong những điểm nổi trội, đặc biệt nhất, thể hiện sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần, ý chí của Đảng bộ, chính quyền đưa TP.HCM hướng tới một đại đô thị thông minh, đẳng cấp khu vực, quốc tế trong tương lai không xa.
"Chúng tôi đã nói thành phố không thiếu tiền, thiếu nguồn lực"
Thủ tướng gợi mở một số vấn đề để Đại hội tiếp tục thảo luận. Đó là nắm bắt vận hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của chính quyền và nhân dân để hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước, vận dụng sáng tạo thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Thủ tướng muốn thành phố tiếp tục phát triển với chất lượng, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cần xác lập vai trò hạt nhân phát triển, gắn kết chặt chẽ với vùng đô thị TP.HCM, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Cởi các nút thắt chính sách, đầu tư hạ tầng, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển là một trong những yêu cầu Thủ tướng đặt ra với TP.HCM. Ảnh: VNN |
“Là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng, lợi thế, nhất là vị trí địa lý kinh tế đặc biệt quan trọng, TP.HCM cần quyết tâm cao, tập trung nguồn lực để xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo ở phía Đông, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các đô thị vệ tinh ven đô. Thí điểm các mô hình mới phù hợp thực tiễn, tạo động lực phát triện với tốc độ nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói.
Theo đó, yêu cầu TP.HCM đi tiên phong trong giải quyết các bài toán phát triển đặt ra đối với đất nước và các địa phương, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.
Thành phố cũng tiếp tục đi đầu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giữ vững vai trò là trung tâm phát triển doanh nghiệp của cả nước. Sớm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để các nguồn lực rất lớn từ đất đai, từ xã hội, trong dân, các thành phần kinh tế và từ bên ngoài được giải phóng, bung ra phát triển mạnh mẽ, đúng hướng.
“Nhiều lần chúng tôi đã nói thành phố không thiếu tiền, thiếu nguồn lực, chỉ thiếu cơ chế, chính sách phù hợp. Các cơ chế như chính quyền đô thị, phát triển thành phố Thủ Đức, dự án Trung tâm Tài chính quốc gia, quốc tế tại TP.HCM, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ủng hộ. Còn các cơ chế gì nữa, các đồng chí nghiên cứu đề nghị tiếp. Trung ương lắng nghe và giải quyết kịp thời, tạo mọi điều kiện để TP.HCM phát triển trong thời gian tới”, Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị thành phố tập trung thực hiện tốt chủ trương gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành tài sản tinh thần, văn hóa đặc trưng của người dân thành phố mang tên Bác. Đặc biệt lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả.